1988 - 13 nhà khoa học mở lối nền công nghệ Việt Nam: Ngày nay có “Thập tam muội”, ngày xưa tại một quán nước nhỏ trên đường Đội Cấn (Hà Nội), 13 nhà khoa học ở tuổi tam thập nhi lập, bằng nhiệt huyết tuổi trẻ và tri thức đã quyết tâm hình thành nên một tổ chức kiểu mới dựa trên sự sáng tạo của khoa học và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia. Và như thế, FPT đã ra đời vào ngày 13/9/1988.
1991 - Bán vé máy bay không còn thủ công nhờ phần mềm: Hợp đồng xây dựng hệ thống đặt vé giữ chỗ cho Phòng vé hàng không Việt Nam (1A Quang Trung, Hà Nội) là hợp đồng mang tính giải pháp đầu tiên của FPT, với nhiệm vụ tin học hóa các khâu đặt vé - giữ chỗ các chuyến bay của Vietnam Airlines, các hãng mà Việt Nam nhận làm đại lý và báo cáo bán vé cuối ngày. Ngày 1/1/1991, sau 3 tháng lập trình, phòng vé chính thức khai trương. Lần đầu tiên hành khách vui mừng nhận những tờ hóa đơn và PNR (Passenger name record) do máy tính in ra.
1992 - ‘Hàng hiệu’ công nghệ đường hoàng về Việt Nam: Sau một năm đàm phán, hãng máy tính Olivetti chỉ định FPT là đại lý phân phối tại Việt Nam và Đông Dương. Hợp tác với Olivetti đem đến cho FPT quyết tâm đã chơi phải chơi với ông lớn. Năm 1994, một loạt hãng máy tính lớn vào Việt Nam. FPT nhanh chóng tiếp cận và trở thành đại lý chính thức của IBM, Compaq, HP, mở ra lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ chuyên nghiệp.
1993 - Phần mềm “made in Vietnam” đầu tiên xuất ngoại: SIBA là cái tên ông Nguyễn Thành Nam (nhà sáng lập ĐH trực tuyến FUNNix) đặt cho phần mềm quản lý tín dụng. Ngày 12/9/1993, FPT ký một trong những hợp đồng phần mềm lớn nhất của mình với Ngân hàng Cathay Trust (sau này là Ngân hàng Chinfon), Đài Loan. Tới thời điểm năm 1996, ông Nam đánh giá SIBA “có lẽ là một trong những chương trình phần mềm thành công nhất về mặt thương mại ở Việt Nam”.
1996 - “Mạng xã hội” có trước cả Facebook: Trí Tuệ Việt Nam (TTVN) là mạng máy tính diện rộng đầu tiên tại Việt Nam do FPT xây dựng. TTVN ra mắt năm 1996 (trước khi Việt Nam kết nối Internet). Đầu năm 1997, mạng này đã rất nổi tiếng khi là môi trường bình đẳng: không ai độc quyền thông tin; không ai áp đặt thông tin cho ai. Tham gia và cùng có lợi là bí quyết giúp TTVN lớn mạnh nhanh chóng.
1997 - Nhà nhà, người người vào mạng: Là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tham gia thị trường viễn thông Việt Nam và xóa bỏ thế độc quyền, FPT liên tục đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy người dùng hòa mạng Internet. FPT cũng là đơn vị đầu tiên tạo ra đa dạng gói dịch vụ với nhiều mức giá; những hình thức khuyến mãi, quảng cáo mới, từ đó định hình các chuẩn mực cao về Intertnet.
1998 - Gây bão với khẩu hiệu "Xuất hay là chết": FPT mò mẫm tự tìm đường ra nước ngoài bằng các mô hình và quy trình chuẩn công nghiệp như ISO hay CMM. Hành trình xuất khẩu phần mềm của FPT bắt đầu tại Bangalore và Silicon Valley nhưng sớm thất bại. Doanh nghiệp này chỉ thực sự cất cánh khi chinh phục thị trường Nhật Bản năm 2005. Từ đó, FPT mở ra con đường xuất khẩu phần mềm cho các doanh nghiệp Việt, góp phần đưa Việt Nam thành điểm đến được ưa chuộng hàng đầu về xuất khẩu phần mềm.
1999 - Lập trình viên quốc tế thành ngành “hot”: Ngày 16/9/1999 tại TP.HCM và 17/9/1999 tại Hà Nội, hai trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế FPT-Aptech chính thức khai trương. Sự kiện FPT mở trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế (Aptech) lập tức trở thành hiện tượng, thậm chí BBC đã đến đưa tin.
2001 - Một click nhận ngàn thông tin: VnExpress là một trong những tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam, hiện thực hoá giấc mơ của FPT về cập nhật thông tin tức thì và “một ngày nào đó cả nước Việt Nam vào Internet để đọc báo”.
2006 - Gia nhập sự nghiệp trồng người: Ra đời năm 2006, Đại học FPT mở đầu cho phương thức đào tạo mới: đại học hướng nghiệp - đại học của kỷ nguyên Internet. Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học FPT Lê Trường Tùng chia sẻ: “Có nhiều con đường để đến đích và sẽ phải trả giá nếu đi không đúng. May mắn rằng những bước đi liều lĩnh từ nhiều năm trước đã đặt nền tảng để ĐH FPT trở thành thương hiệu đáng tin cậy trong đào tạo nguồn lực CNTT chất lượng cao”.
2008 - Khai thuế chưa bao giờ dễ dàng đến thế: FPT làm tổng thầu dự án triển khai hệ thống thông tin quản lý thuế TNCN, quản lý 15 triệu người nộp thế, 7.000 người sử dụng, 770 chi cục, 800 điểm triển khai toàn quốc. Đây là hệ thống xử lý tập trung đầu tiên của Tổng cục Thuế, được đánh giá là lớn nhất trong các hệ thống xử lý tập trung thuộc khối chính phủ Việt Nam, với khả năng xử lý mạnh, tính sẵn sàng và độ tin cậy cao. Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), hiện được nâng cấp từ hệ thống quản lý thuế TNCN, đang quản lý hơn 50 triệu người nộp thuế.
2010 - Thực học thực nghiệp: FPT Polytechnic ra đời năm 2010, nối tiếp danh sách các sản phẩm đào tạo của Hệ thống giáo dục FPT. Tên “Polytechnic” dựa theo hệ thống các trường dạy các chương trình tương tự ở Singapore. Còn cụm “Cao đẳng thực hành” dựa trên chữ “thực hành” trong “Kỹ sư thực hành”. FPT chọn tên này vì muốn nhấn mạnh quan điểm thực hành của chương trình đào tạo.
2013 - Lần đầu tiên có tổ hợp đại học và công viên phần mềm: Làng phần mềm F-Ville khai trương tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội tháng 11/2013 đánh dấu bước tiên trong xây dựng các tổ hợp đại học và công viên phần mềm của FPT trên toàn quốc. Với việc xây dựng 4 khu tổ hợp gồm doanh nghiệp và trường đại học, FPT tiên phong phát triển mô hình này tại Việt Nam, tạo ra môi trường thực tế để sinh viên vừa học vừa hành.
2015 - Học trực tuyến mọi lúc mọi nơi: Đại học trực tuyến FUNiX ra đời mở đầu xu thế giáo dục mới: kết hợp CNTT và công nghệ giáo dục trong môi trường mở. Sinh viên FUNiX có thể học mọi lúc, mọi nơi; cập nhật nhanh nhất các kiến thức mới từ đội ngũ mentor là chuyên gia CNTT đang làm việc tại những tập đoàn, công ty công nghệ hàng đầu.
2018 - Sẵn sàng cho CMCN 4.0: FPT đang hiện diện tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 33.000 CBNV; cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho hơn 200 khách hàng là các tập đoàn lớn như DIR, UPS, RWE, ORT, NXP, NTT Data, Airbus, Siemens… “Việc mua công ty tư vấn công nghệ Intellinet, Mỹ là dấu mốc quan trọng trong hành trình FPT trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới về dịch vụ chuyển đổi số. Một cuộc chơi mới trên sân chơi toàn cầu lại bắt đầu”, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình khẳng định.