Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm 2030, chiều cao thanh niên Việt chưa đạt 1,7 mét

Đặt mục tiêu tăng 4 cm trong 10 năm tới nhưng chiều cao trung bình của nam, nữ thanh niên Việt Nam vẫn chưa vượt được mức 1,7 và 1,6 mét.

Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Đề án dân số Việt Nam do Bộ Y tế dự thảo và trình duyệt vào tháng 4/2019. Đề án được xây dựng cho giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu chung là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng.

Chiều cao chậm cải thiện

Trong chiến lược dân số lần này, Chính phủ kỳ vọng chiều cao của người Việt Nam 18 tuổi sẽ có mức trung bình nam đạt 168,5 cm và nữ đạt 157,5 cm vào năm 2030. Hiện, chiều cao bình quân của người Việt ở mức 164 cm với nam và 153 cm với nữ.

Trong khi đó, tầm vóc, thể lực và sức bền của người Việt Nam chậm cải thiện suốt 30 năm qua khi chiều cao trung bình của thanh niên chỉ tăng 3 cm.

chieu cao cua nguoi Viet Nam tang 4 cm anh 1
Biểu đồ chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực (đơn vị: cm). Đồ họa: Mỹ Hà. 

Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực. Trong bảng xếp hạng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 8, chỉ trên Indonesia và Philippines. Người Việt thấp hơn 10 cm so với chuẩn quốc tế.

Chiến lược mới đặt ra mục tiêu thanh niên Việt Nam có thể cải thiện chiều cao trung bình lên 4 cm trong 10 năm. Tuy nhiên, bình quân vẫn chưa thể vượt qua mức 170 cm đối với nam và 158 cm đối với nữ - nghĩa là còn dưới chuẩn quốc tế rất xa.

Dân số đạt 104 triệu người năm 2030

Theo đề án vừa phê duyệt, Việt Nam sẽ duy trì mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) và quy mô dân số đạt 104 triệu người trong năm 2030. Chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng được kỳ vọng giảm 50%. Một nửa số tỉnh, thành trên cả nước phải đạt mức sinh thay thế. 

Chính phủ đặt mục tiêu tỷ số giới tính khi sinh sẽ được đưa về mức cân bằng tự nhiên với 109/110 bé gái sinh ra sống, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi của dân số ở mức hợp lý. 

Trong giai đoạn 1993-2016, tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% lên 34,3%. Tuy nhiên, con số này được nhận định vẫn còn thấp, dân số sống ở nông thôn và phụ thuộc vào kinh tế nông nghiệp còn cao, chiếm đến 66,1% cơ cấu dân số.

Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra trong giai đoạn mới là thúc đẩy đô thị hóa, đưa tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45% vào năm 2030. 

chieu cao cua nguoi Viet Nam tang 4 cm anh 2
Chính phủ đặt ra kỳ vọng dân số đạt mức 103 triệu người đến năm 2030, tỷ lệ cư dân đô thị chiếm 45%. Ảnh minh họa: Tiến Tuấn.

Chiến lược đưa ra kỳ vọng giảm được 50% số cặp tảo hôn, 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống. 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất và 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Bộ Y tế được yêu cầu hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện hiện đại hóa quản lý xã hội, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. 

Để thực hiện những mục tiêu này, Chính phủ đưa ra các giải pháp đề cao sự đồng bộ trong quản lý dân số và có các hình thức vận động, truyền thông tiên tiến. Nhà chức trách yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật người cao tuổi, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật bình đẳng giới và các luật có liên quan nhằm khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội. 

Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, Việt Nam có hơn 96,2 triệu dân, là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, thứ 3 Đông Nam Á. Tỷ lệ cư dân thành thị thấp hơn so với tốc độ đô thị hóa.

Theo đánh giá chung của Bộ Y tế, cơ cấu dân số Việt Nam đang gặp phải một số vấn đề như mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng, chưa tận dụng tối đa thời kỳ "dân số vàng", quản lý di cư nhiều bất cập...

Tốc độ gia tăng dân số hàng năm ở mức 1% nhưng không đồng đều giữa các khu vực. Hiện, dân số khu vực thành thị Việt Nam chiếm 34,4% nhưng ở mức thấp so với tỷ lệ dân cư thành thị của các quốc gia khu vực Đông Nam Á. 

Dân số Việt Nam 2019: Hơn 96 triệu người, đứng thứ 15 thế giới

Theo Tổng điều tra dân số, Việt Nam hiện có hơn 96,2 triệu dân, là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, thứ 3 ĐNA và có tỷ lệ cư dân thành thị thấp hơn so với tốc độ đô thị hóa.

Khai thông tối đa nguồn lực, đưa đất nước phát triển

Thực tiễn hơn ba thập niên đổi mới đất nước cho thấy, mỗi khi nguồn lực của đất nước được giải phóng tối đa và sử dụng có hiệu quả thì tạo được thành tựu bứt phá trong phát triển.





Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm