Ngày 13/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp bàn phiên thứ 3 về lương tối thiểu 2019. Theo đó, 15 thành viên của hội đồng đã thống nhất với phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019 mức bình quân tăng 5,3% so với năm 2018.
Như vậy, tính theo các vùng quy định, mỗi lao động được tăng thêm từ 160.000-200.000 đồng/tháng.
Cụ thể, theo phương án này, mức lương tối thiểu năm 2019 với vùng 1 sẽ là 4,18 triệu đồng, tăng 200.000 đồng; vùng 2 là 3,71 triệu đồng, tăng 180.000 đồng; vùng 3 là 3,25 triệu đồng, tăng 160.000 đồng và vùng 4 tăng thêm 160.000 đồng lên mức 2,92 triệu đồng.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội, tại phiên họp cuối cùng này, Tổ kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tổng hợp đưa ra hai phương án để lấy ý kiến biểu quyết tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, là tăng 5,3% hoặc 6,1%.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cho biết mong muốn lựa chọn phương án 5,1% hơn, nhưng Hội đồng tiền lương quyết định chọn mức 5,3%. Với mức tăng này, các doanh nghiệp sẽ phải phấn đấu để có thể đáp ứng được yêu cầu.
Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết đây là mức mà người lao động có thể bù đắp vào khoản trượt giá 4%/năm và vẫn còn mức tăng lương so với năm trước. Với mức tăng lương tối thiểu này, doanh nghiệp cũng có thể chi trả được.
"Đây là mức tăng hài hòa, có thể làm hai cùng chấp nhận được”, ông Diệp cho hay.
Ông Diệp cũng nhấn mạnh tinh thần cải cách tiền lương tiến tới Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Từ đó, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Trước đó, mức điều chỉnh khoảng 5% cũng được nhiều chuyên gia dự báo khi căn cứ vào điều kiện kinh tế, lạm phát cũng thị trường lao động.