Qua các năm, điện thoại thông mình đều được cải tiến với nhiều tính năng mới cùng hàng loạt nâng cấp từ cấu hình cho tới thiết kế. Và mỗi khi có xu hướng mới, các hãng sản xuất smartphone sẽ học hỏi lẫn nhau và đưa chúng lên những sản phẩm của mình.
Màn hình khuyết đỉnh
Một số smartphone màn hình khuyết đỉnh được bán ra từ đầu và giữa năm 2017. Tuy nhiên, phải đến khi iPhone X ra mắt trào lưu này mới thực sự phát triển.
Các hãng sản xuất smartphone Android đã nhanh chóng mang thiết kế này lên hàng loạt sản phẩm từ cao cấp cho tới những thiết bị tầm trung, giá rẻ với mục đích tối ưu hóa diện tích hiển thị mặt trước.
Trào lưu làm màn hình khuyết đỉnh nở rộ sau khi iPhone X ra mắt. Ảnh: The Verge. |
Phần notch trên màn hình cũng liên tục được cải tiến và thay đổi với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Với sự phổ biến của màn hình khuyết đỉnh, Google cũng đã phát hành bản Android 9 Pie cùng những tính năng hỗ trợ riêng cho phần notch.
Tuy nhiên, trào lưu này khiến thiết kế của smartphone ngày càng giống nhau và trở nên nhàm chán. Hiện chỉ còn một số hãng như Samsung, Sony, HTC vẫn duy trì phong cách thiết kế riêng, không chạy theo trào lưu làm màn hình khuyết đỉnh.
Sử dụng module camera trượt
Để có được một màn hình tràn viền thực sự và loại bỏ hoàn toàn phần notch, các hãng điện thoại đã lựa chọn giải pháp sử dụng module trượt và ẩn camera trước của smartphone.
Trên chiếc Vivo Nex, nhà sản xuất đã giấu camera trước ở đỉnh máy và sử dụng module cơ học giúp đẩy lên khi sử dụng. Điều này đã giúp máy có được một màn hình hiển thị chiếm 91% diện tích mặt trước.
Cơ chế trượt trên Oppo Find X và Vivo Nex đặt ra nhiều nghi vấn về độ bền của sản phẩm. Ảnh: Android Authority. |
Sau đó không lâu, Oppo cũng ra mắt chiếc Find X với cơ chế hoạt động tương tự, nhưng phần module trượt được thiết kế lớn hơn và chứa cả cụm camera trước sau cũng như cảm biến nhận diện gương mặt.
Thiết kế này giúp các nhà sản xuất tối ưu diện tích hiển thị mang lại màn hình tràn viền đúng nghĩa. Tuy nhiên, phần module trượt đặt ra khá nhiều nghi vấn về độ bền và tính ổn định trong quá trình sử dụng.
Mở khóa bằng khuôn mặt
Tính năng mở khóa bằng khuôn mặt thực chất đã xuất hiện lần đầu trên hệ điều hành Android 4.0 Ice Cream Sandwich vào năm 2011, nhưng trào lưu này chỉ thực sự nổ rộ và được người dùng chú ý trong thời gian gần đây.
Tính năng mở khóa bằng khuôn mặt trên nhiều smartphone Android không mang lại khả năng bảo mật cao. Ảnh: Android Police. |
Tuy nhiên, phương pháp bảo mật này không thực sự an toàn, nó có thể dễ dàng bị đánh lừa bởi những hình ảnh 2D của người dùng bởi hệ thống nhận diện chỉ sử dụng camera trước của điện thoại để quét khuôn mặt. Trong khi đó, những hệ thống bảo mật như Face ID của Apple sử dụng công nghệ quét khuôn mặt 3D bằng các tia hồng ngoại cho độ chính xác cao hơn.
Theo Android Police, tính năng mở khóa khuôn mặt trên nhiều smartphone Android hiện nay vẫn chưa đủ an toàn để thay thế cảm biến vân tay.
Cảm biến vân tay dưới màn hình
Với trào lưu làm viền màn hình ngày càng mỏng, các nhà sản xuất Android đang gặp nhiều khó khăn trong việc đặt vị trí của cảm biến vân tay khi màn hình gần như chiếm toàn bộ mặt trước của thiết bị.
Đa số các nhà sản xuất sẽ chọn vị trí đặt cảm biến vân tay ở mặt lưng, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến thiết kế tổng thể của máy, làm mất tính thẩm mỹ. Vì thế cảm biến vân tay dưới màn hình là giải pháp tốt nhất hiện nay. Nó có thể giữ lại tính năng bảo mật này trong khi không làm ảnh hưởng đến thiết kế của điện thoại.
Cảm biến vây tay dưới màn hình sẽ được áp dụng rộng rãi trong năm tới. Ảnh: CNet. |
Chiếc Vivo X20 Plus UD ra mắt vào tháng 1/2018 đã trở thành smartphone đầu tiên trên thế giới được trang bị cảm biến vân tay dưới màn hình.
Tuy nhiên, tính năng này vẫn còn trong giai đoạn mới phát triển. So với cảm biến vân tay truyền thống, khả năng nhận diện của chúng chậm hơn và thiếu ổn định hơn. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất cũng cao hơn tương đối.