Năm 2017, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, khủng hoảng thịt lợn… nhưng đã có sự tăng trưởng gần 3% và xuất khẩu đạt kỷ lục gần 37 tỷ USD. Chia sẻ về năm vừa qua với Zing.vn, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường nói rằng đây là một con số rất lớn; thặng dư tuyệt đối của ngành đã đạt con số 8,55 tỷ USD, vượt hơn năm ngoái hơn 1 tỷ USD.
Đáng chú ý, nhiều ngành hàng xuất khẩu đạt kỷ lục mới, như thủy sản và gỗ lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD. Ngành rau quả đạt 3,45 tỷ USD, vượt lúa gạo.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, phải tiếp tục tổ chức sản xuất theo nguyên tắc chung là chuỗi giá trị tất cả các nhóm ngành hàng, kể cả những ngành hàng chủ lực quốc gia, thì mới tiếp tục duy trì các chỉ số tăng trưởng.
Bộ trưởng cũng thừa nhận hai nút thắt mà hiện nay ngành chưa làm tốt. Đó là khâu phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu, xúc tiến mở rộng thị trường. Trong đó, ngành hàng rau quả thực tế dư địa thị trường thế giới còn rất lớn. Tổng thương mại về rau quả là 270 tỷ USD, trong khi tổng thương mại lúa gạo toàn cầu chỉ 36 tỷ USD, nhưng muốn xuất khẩu rau quả không phải đơn giản.
Chúng ta đang có 22 triệu tấn rau, củ, quả nhưng mới chế biến được 9%. Khâu quy hoạch vùng nguyên liệu, chế biến yếu đã hạn chế năng lực xuất khẩu.
Năm 2018, công tác chế biến sẽ tập trung hơn với việc đầu tư khoảng 5-6 nhà máy ở 6 vùng kinh tế trọng điểm. Tổng công suất dự kiến các nhà máy này khi đi vào hoạt động đầu năm 2019 là 1 triệu tấn. Con số này bằng công suất của 142 nhà máy hiện có.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, chưa bao giờ các thành phần kinh tế quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay. Riêng năm vừa rồi, gần 2.000 doanh nghiệp tập trung đầu tư vào khu vực nông nghiệp với giá trị vốn đầu tư hàng tỷ USD.
Nguồn vốn này hoàn toàn của doanh nghiệp và huy động vốn của tín dụng. Có những tập đoàn rất lớn cũng đã đầu tư vào khu vực nông nghiệp, cho thấy sự quan tâm của các thành phần kinh tế với ngành. Riêng về hợp tác xã kiểu mới năm vừa rồi cũng bùng nổ.
Một trong những giải pháp phát triển ngành là huy động hình thức công tư. Đây không chỉ là huy động nguồn lực mà đã phản ánh đúng xu hướng của nền kinh tế thị trường. Một số ngành hàng thành công từ hình thức phát triển này như cà phê, lúa gạo. Riêng chăn nuôi hiện nay hầu như khu vực tư nhân đầu tư.
Không chỉ có các doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng tham gia đầu tư nông nghiệp.