Theo Reuters, chính phủ Mỹ đã đệ đơn lên toà án phía đông Texas để bác bỏ vụ kiện của Huawei. Đây cũng chính là toà án Huawei chọn để kiện chính phủ Mỹ vào đầu tháng 3. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho rằng Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019 là vi hiến.
Công ty Trung Quốc yêu cầu xem xét tính hợp hiến điều khoản 899 của NDAA 2019, trong đó cấm các cơ quan chính phủ và nhà thầu mua sắm thiết bị và dịch vụ của tập đoàn này do nghi ngờ mối liên hệ của Huawei với chính phủ Trung Quốc.
Huawei đã trở thành một phần của cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Gần đây, mối quan hệ của hai quốc gia này có dấu hiệu khởi sắc.
Tổng thống Donald Trump đã đồng ý nới lỏng các hạn chế đối với Huawei sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Chính phủ Mỹ yêu cầu toà án liên bang loại bỏ vụ kiện của Huawei. Ảnh: Forbes. |
Theo các quan chức Mỹ, chính phủ nước này sẽ tổ chức cuộc đàm phán trong tuần tới để đưa ra các quyết định chính thức với Huawei.
Huawei vẫn chưa lên tiếng về hành động mới này của Mỹ.
Một tháng qua là khoảng thời gian ảm đạm của Huawei khi bị chính phủ Mỹ đưa vào "danh sách đen". Danh sách này cấm các công ty Mỹ làm ăn kinh doanh với Huawei và các chi nhánh nếu không được chính phủ cho phép.
Nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi cho biết quyết định đưa Huawei vào danh sách đen của Mỹ khiến công ty này thiệt hại nặng nề. Ảnh: Bloomberg. |
Ảnh hưởng của lệnh cấm lan rộng khắp mọi bộ phận của Huawei, từ thiết bị viễn thông, laptop, điện thoại... Chỉ vài ngày sau khi ông Trump ban hành lệnh cấm, hàng loạt nhà sản xuất chip đã "cắt đứt" quan hệ với Huawei, trong khi Google cũng rút giấy phép sử dụng Android, các dịch vụ Google khỏi smartphone Huawei.
Gần đây, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cho biết lệnh cấm có thể khiến hãng thiệt hại đến 30 tỷ USD doanh thu trong 2 năm tới.