Mỹ Uyên tâm sự về chuyện làm mẹ đơn thân
Nhận nuôi cháu ruột suốt 10 năm với tình yêu thương của một người mẹ, nữ diễn viên cho biết cô không sợ dư luận dị nghị, và cũng không cần giấy tờ xin con nuôi để chứng tỏ tình mẫu tử của mình.
Chưa lập gia đình nhưng Mỹ Uyên có một cô con gái xinh xắn, bé là con ruột của em gái chị. Từ khi lọt lòng, bé đã được Mỹ Uyên chăm sóc với tất cả tình yêu của một người mẹ. Ngoài tình cảm máu mủ, việc chăm sóc đứa bé này với Mỹ Uyên cũng xuất phát từ bản năng làm mẹ.
Đôi khi, một mình chăm sóc con với nhiều khó khăn chị cũng stress, nhưng nhìn con lớn khôn mỗi ngày, những khó khăn đó qua đi. Cũng đôi lần, tình cảm mẹ con tưởng như phải xa cách, vì dù sao con cũng không phải chị đẻ ra, nhưng nữ diễn viên không oán trách vì chị hiểu sâu sắc tình mẫu tử. Chị cũng luôn tin, dù ở đâu và với ai, con gái cũng biết, với bé cô là một người mẹ đúng nghĩa và thương con hết mức.
Nữ diễn viên - bà bầu sân khấu kịch 5B Mỹ Uyên. |
- Chị có một cô con gái nuôi, vì sao chị không tự sinh mà xin con?
- Bé gái đó là con của em gái ruột tôi. Ngày xưa, cả nhà ở quây quần, vợ chồng em gái cũng ở cùng tôi. Khi họ sinh em bé, vì là người một nhà, tôi đang độc thân nên cũng có nhiều thời gian qua lại và chăm sóc bé. Chăm sóc một thời gian dài, từ lúc bé sinh ra cho tới khi biết lẫy, bò, tình cảm lớn dần lên, mọi thứ cứ diễn ra như bản năng. Một thời gian sau, vì hoàn cảnh, em gái tôi phải theo chồng về Tây Ninh, lúc này tôi thấy không xa bé được nên ba mẹ bé đã để bé lại cho tôi chăm sóc.
Tôi hiểu nhiều người thắc mắc là tôi có thể trở thành "single mom", vì sao phải nuôi con của em gái? Sự thật là tôi có thể làm điều đó, nhất là khi xã hội khá cởi mở. Việc một phụ nữ chưa có chồng, sinh con đã dần trở thành bình thường, nhưng nếu tôi tìm mọi cách để có một đứa con có vẻ như tôi ích kỷ, không nghĩ cho con mình và suy nghĩ của người đàn ông hợp tác với mình trong chuyện đó. Trong khi đó, tôi vẫn ước mơ một mái ấm, có chồng có vợ. Chẳng qua mọi thứ chưa tới, cái duyên phải chờ vậy, không phải vì mình muốn là được.
- Chị chưa từng lập gia đình, nhưng tự tay chăm sóc một đứa bé từ khi còn đỏ hỏn đến giờ như một người mẹ, chắc chị cũng gặp nhiều khó khăn?
- Sau khi ba mẹ cháu về Tây Ninh chỉ còn một mình tôi chăm sóc nên đôi khi cũng có những tình huống dở khóc dở cười. Nói chung, chăm một đứa con nít rất cực, nhưng với tình yêu của một người mẹ dành cho con, tôi nghĩ người phụ nữ nào cũng vượt qua được.
- Hồi bé đương nhiên dạy bảo sẽ dễ dàng hơn, còn bây giờ cháu đã lớn và bắt đầu có những nhận thức từ xã hội xung quanh như một người trưởng thành. Chị có thấy hoang mang hay lo lắng gì không?
- Đúng là đôi khi tôi cũng stress, vì trẻ con giờ lớn nhanh và nhạy cảm lắm. Có những điều tôi không nghĩ là nó có thể hỏi hay nghĩ ra. Mỗi giai đoạn một khó khăn, khi bé sợ con đau, con khóc, lười ăn, biếng ngủ. Còn bây giờ, cháu đã lớn và học cấp 2, lại có những điều phức tạp hơn nhiều.
Bé Na nhạy cảm hơn những đứa trẻ cùng lứa tuổi rất nhiều. Có lẽ do ngày nhỏ, nó đã đi theo tôi khắp nơi, có những lúc sau giờ học, tôi phải đi làm nên buộc phải mang cháu theo. Cháu chứng kiến cuộc sống của người lớn ngay từ bé nên cảm nhận về cuộc sống sâu sắc hơn. Vì vậy, cháu biết thông cảm, thương yêu và nghe lời tôi nhiều hơn.
Mỹ Uyên yêu thương cháu ruột như con đẻ. |
- Đối với cha mẹ đẻ nhiều khi dạy một đứa trẻ họ có thể được dùng đến roi vọt, còn như trường hợp của chị khi bé Na bỗng trở nên cứng đầu, khó bảo chị phải làm sao?
- Những trường hợp nhận nuôi con việc dạy bảo sẽ khó khăn hơn bình thường một chút, vì nếu tôi không khéo sẽ dẫn đến hiểu lầm, hiểu lầm từ chính đứa trẻ, và cả từ những người xung quanh. Đôi khi bé cũng làm tôi tức điên, nhưng tôi không nghĩ roi vọt là phương pháp tốt vì nó còn tùy thuộc vào tâm tính từng đứa trẻ.
Bé Na rất ít nói, có điều gì không vừa lòng hay phật ý nó đều giữ trong lòng, mặt mũi lầm lỳ và khép kín. Tôi chỉ cần nhìn phản ứng là biết nó đang nghĩ gì, nên dù khi đó mình giận quá nhưng vẫn phải kiềm chế để bình tĩnh lại. Tôi không la mắng, không dùng roi vọt, bởi con tôi là đứa nhạy cảm, tôi dùng chiêu đó là thất bại. Tôi không ít lần phải nhắn tin điện thoại, hoặc viết giấy để lại trên bàn học của con, tôi nói không hài lòng về nó như thế nào, hỏi thăm suy nghĩ của cháu. Hai mẹ con chọn cách giao lưu như vậy, và tôi thấy rất hiệu quả.
- 10 năm nuôi cháu vừa qua, yêu con bằng tất cả tình thương của một người mẹ, nhưng có khi nào chị phải rơi vào tình huống, hay nghĩ tới ngày cháu sẽ quay về với bố mẹ ruột?
- Khi nghe câu hỏi này tôi đang cảm thấy chạnh lòng và có cảm giác lo lắng mơ hồ len lỏi. Cách đây 4 năm, vào dịp Tết, bé Na về Tây Ninh cùng em và bố mẹ đến hết ngày nghỉ lễ, tôi vẫn không thấy bố mẹ cháu đưa con xuống đi học. Sau đó tôi biết em gái và chồng muốn giữ bé ở lại cho cháu đi học. Khi biết ý định của họ, tôi buồn và hụt hẫng lắm. Lúc đó tôi đã khóc rất nhiều, nhưng tôi cũng nghĩ đó là điều hiển nhiên, dù sao đó mới là cha mẹ ruột của cháu, tôi phải chấp nhận.
Sau mấy ngày nhớ con, dường như bé cũng rất nhớ tôi, hai má con mới lên mạng chat, con bé nói nó nhớ trường lớp, các bạn và tôi. Thế là tôi lặng người đi, nước mắt lại rơi. Tôi để nó nói còn mình ngồi khóc, dù không nhìn thấy nhau nhưng con bé hỏi: "Má đang khóc hả, má đừng khóc nữa vì con nhớ và thương má lắm. Ba mẹ không cho con đi, không ai đưa con đi làm sao con xuống với má được, con đâu biết đường".
Sau tình huống đó, ba mẹ cháu quyết định để cháu quay về thành phố và ở với tôi. Sự thật là những mối quan hệ con nuôi thế này nhiều khi rất phức tạp. Trên mặt giấy tờ và mọi thứ bé vẫn là con em gái tôi, tôi nuôi bé vì tình thân máu mủ ruột rà, không phải xin con nuôi rồi làm giấy tờ trước pháp luật, không thể lấy luật ra để đòi con. Tôi biết, dù có ở bên tôi hay bên cha mẹ cháu, với cháu tôi vẫn là một người mẹ thương nó hết mực.
Theo Mẹ yêu bé