Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ từng đề nghị Pháp dùng bom nguyên tử ở Điện Biên Phủ?

Trận chiến ở Điện Biên Phủ là bước ngoặt lớn đối với Pháp và 3 nước Đông Dương cũng như Chiến tranh Lạnh và Mỹ được cho là có thể đã muốn can thiệp bằng vũ khí hạt nhân.

Lính Pháp đóng quân ở Điện Biên Phủ. Ảnh: AP

Tháng 4/1954, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles hỏi người đồng cấp Pháp Georges Bidault về việc sử dụng bom nguyên tử nhằm chống lại các đợt tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, BBC dẫn lời kể của một nhà ngoại giao cấp cao Pháp.

Cuối năm 1953, Tướng Navarre quyết định xây dựng khu căn cứ kiên cố ở Thung lũng Mường Thanh, cách Hà Nội khoảng 450 km về phía bắc. Tập đoàn cứ điểm này được vây quanh bởi rừng núi hiểm trở, khiến người Pháp tin rằng nó không thể bị đánh bại. Nếu Quân đội Nhân dân Việt Nam dồn lực tấn công cụm cứ điểm này, Pháp sẽ dùng hỏa lực vượt trội để tiêu diệt.

Tuy nhiên, người Pháp đã đánh giá thấp khả năng của người Việt Nam. Những khẩu pháo được kéo bằng sức người lên đỉnh đồi, đã ngắm thẳng xuống các doanh trại Pháp trên lòng chảo Điện Biên. Ngày 13/3/1954, Quân đội Việt Nam mở cuộc tấn công đầu tiên bằng pháo binh, vô hiệu hóa sân bay nằm dưới thung lũng. Người Pháp bị bao vây giữa vùng núi hiểm trở.

Tình thế nguy cấp khiến Pháp phải cầu cứu đồng minh thân cận - người Mỹ. Tuy nhiên, Washington quyết định không tham chiến nếu người Anh án binh bất động. Thay vào đó, Mỹ, Anh và Pháp sẽ nhóm họp tại Paris để bàn thảo những hậu quả nếu người Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ. Trong một cuộc họp, người ta cho rằng Ngoại trưởng Mỹ Dulles đã đề nghị Pháp sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Điện Biên.

Trên thực tế, Dulles không được phép đưa ra đề nghị trên. Cũng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy ngoại trưởng Mỹ đưa ra đề nghị này. Trong bối cảnh quân đội Pháp đang lao đao ở lòng chảo Điện Biên, nhiều khả năng ý của ông Dulles đã bị hiểu lầm hoặc một số từ ông nói bị dịch thiếu.

Trực thăng bay phía trên một cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ. Ảnh: BBC

Trước khi qua đời năm 1998, cựu ngoại trưởng Pháp Maurice Schumann khẳng định: "Ông ấy (Dulles) không thực sự đề nghị sử dụng bom nguyên tử. Ông ấy đưa ra một câu hỏi và lời đề nghị trước khi thốt lên các từ 'bom hạt nhân'. Ông Bidault phản ứng như thể người đồng cấp Mỹ không nghiêm túc đưa ra đề nghị".

Theo Giáo sư Fred Logevall của Đại học Cornell, Mỹ, ông Dulles "có thể đã nói chung chung về những khả năng có thể xảy ra, Pháp nghĩ gì về khả năng sử dụng 2 hoặc 3 vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Điện Biên Phủ". Tuy nhiên, ông Bidault từ chối vì sợ nhiều binh lính Pháp sẽ thiệt mạng nếu loại vũ khí này được sử dụng.

Sau đó, cả Mỹ và Anh đều quyết định không tham gia cuộc chiến của người Pháp ở Đông Dương. Ngày 7/5/1954, Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ trước khi Hiệp định Geneve được ký kết, trao trả độc lập cho 3 nước Đông Dương.

Vũ khí chủ lực của Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Sức mạnh quân sự vượt trội với xe tăng, máy bay và trọng pháo không đủ giúp Pháp giữ vững tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trước những đợt tấn công của bộ đội Việt Nam.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm