Ngày 22/7, các công tố viên Mỹ đưa ra cáo buộc 2 công dân Trung Quốc, được xác định là đang làm việc cho văn phòng tình báo của Trung Quốc, vì liên quan đến nhiều hoạt động tấn công điện tử nhắm tới nhiều công ty và cơ quan chính phủ trong hơn một thập kỷ qua.
Bản cáo trạng xác định Li Xiaoyu, 34 tuổi và Dong Jiazhi, 33 tuổi, đã đánh cắp hàng trăm terabyte dữ liệu từ các công ty công nghệ cao trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ.
Đáng chú ý, 2 tin tặc này đã tấn công vào hệ thống của khoảng một chục công ty Mỹ đang nghiên cứu phát triển vaccine cùng phương pháp điều trị Covid-19 ở Maryland, Massachusetts và California.
Trước đó, cả FBI và Cơ quan An ninh Nội địa đã từng ra thông báo chính quyền Trung Quốc đang thực hiện nhiều kế hoạch khác nhau để đánh cắp các công trình nghiên cứu về Covid-19 của Mỹ.
FBI "truy nã" 2 hacker người Trung Quốc là Li Xiaoyu và Dong Jiazhi. Ảnh: FBI. |
Đầu tiên, "các hacker tấn công vào hệ thống của Bộ Năng lượng Mỹ ở Hanford, Washington", Bộ Tư Pháp cho biết. Sau đó, ghi nhận những trường hợp xâm nhập vào dữ liệu ở Australia, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu với cách thức tương tự.
Các tin tặc thường sử dụng những lỗ hổng trong phần mềm máy chủ để đột nhập vào hệ thống của người dùng. Chúng tiếp tục cài những phần mềm đánh cắp mật khẩu để truy cập sâu hơn. Ghi nhận những trường hợp hacker "đợi" rất nhiều năm chỉ để lấy được một mật khẩu quan trọng.
Bản cáo trạng xác định 2 hacker Trung Quốc không những thực hiện nhiệm vụ tình báo cho chính quyền Trung Quốc, mà còn tấn công mạng vì mục đích cá nhân. Họ đã trộm "hàng trăm triệu USD" từ các chương trình vệ tinh quân sự, mạng không dây quốc gia...
John C.Demers, trợ lý Bộ trưởng Tư Pháp, cho biết bản cáo trạng đã vạch trần cách Trung Quốc "cướp" tài nguyên từ các công ty trên toàn thế giới. Ông cũng cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã cung cấp một "nơi trú ẩn an toàn" cho các tin tặc.
"Trung Quốc, cùng Nga, Iran và Triều Tiên là những quốc gia đồng ý cung cấp nơi ở an toàn cho các tội phạm điện tử để đổi lại những công trình nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các công ty công nghệ trên toàn cầu. Đó là một hành động đáng xẩu hổ", ông Demers phát biểu.
Nếu bị truy tố, mỗi hacker có thể phải đối diện với bản án hơn 40 năm tù. Nhưng vì các tin tặc được cho là vẫn ở Trung Quốc, nên bất kỳ sự dẫn độ nào đến Mỹ được nhận định là khó xảy ra.
Theo AP, cơ quan Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa đưa ra phản hồi hay bình luận chính thức về bản cáo trạng này.