Theo tờ South China Morning Post, trong vấn đề ngoại giao, mọi thứ đều có thể thay đổi để phù hợp với lợi ích của các bên liên quan. Trong một đêm, cựu thù lâu năm có thể trông như bạn thân chí cốt. Đó là trường hợp của Triều Tiên và Hàn Quốc khi lãnh đạo hai bên lần đầu tiên hội kiến với nhau hôm 27/4.
Cái bắt tay thế kỷ giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae In đánh dấu bước tiến vượt bậc trong mối quan hệ giữa hai nước. Ảnh: Reuters. |
Một diễn biến ngoại giáo khác cũng quan trọng không kém đó là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong khoảng 3-4 tuần tới.
Những động thái ngoại giao trên cho thấy các bên liên quan dường như nhận ra rằng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên phục vụ cho lợi ích của tất cả các bên và không ai có thể chịu được tổn thất của chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, các cuộc thượng đỉnh có thể không làm Trung Quốc hài lòng khi bị bỏ ngoài cuộc.
Trung Quốc và Mỹ đều muốn hòa bình
Cuộc gặp gỡ giữa ông Kim Jong Un và ông Moon Jae In là nỗ lực nhằm xóa bỏ nguy cơ chiến tranh tồi tệ nhất đối với thế giới trong vài thập kỷ gần đây. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Triều Tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc, và sắp tới là lần đầu tiên hội kiến một tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Quan điểm của các nước đối với các vấn đề Triều Tiên. Đồ họa: South China Morning Post. |
Những sự kiện ngoại giao diễn ra dồn dập, nhanh và mạnh mẽ không khác gì những cơn lốc xoáy, trong khi chỉ vài tháng trước ông Kim Jong Un còn quyết tâm theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đến cùng, đồng thời không ngần ngại đưa ra những tuyên bố khiêu chiến, theo cách thông thường hoặc bằng những vụ thử tên lửa, với Tổng thống Donald Trump.
Vì vậy, theo South China Morning Post, ông Trump và người đồng nhiệm với ông ở Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình hoàn toàn có thể tự hào vì đóng góp của họ trong việc thúc đẩy những chuyển biến tích cực trên, dù hai nước vẫn rất căng thẳng về thương mại và nhiều vấn đề khác.
Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Trump vào tháng 11/2017. Ảnh: Getty. |
Về cốt lõi, vấn đề Triều Tiên chỉ nằm ở hai khía cạnh: giải trừ vũ khí hạt nhân và kết thúc mối thù địch nhiều thập kỷ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Trong tuyên bố Bàn Môn Điếm vừa được ký kết sau cuộc thượng đỉnh hôm 27/4, hai nước thống nhất hợp tác để "phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn", đồng thời thiết lập nền hòa bình bền vững.
Tuy nhiên, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo mang tính biểu tượng nhiều hơn là tính thực tế khi nó được tổ chức nhằm dọn đường cho cuộc thượng đỉnh quan trọng hơn giữa ông Kim và Tổng thống Trump - cuộc gặp gỡ mang yếu tố quyết định hòa bình có đến với nhân dân hai nước trên bán đảo Triều Tiên và rộng hơn nữa là với các đồng minh của hai bên là Mỹ và Trung Quốc hay không.
Mâu thuẫn về vai trò của Trung Quốc
Vai trò của Trung Quốc cũng như sự đồng tình của nước này là rất quan trọng nếu các bên mong muốn hòa bình được thiết lập.
Bắc Kinh sẽ quan sát kỹ cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong Un với hy vọng sẽ thúc đẩy thành công tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, điều phục vụ cho lợi ích của nước này. Đặc biệt, chính quyền của ông Tập Cận Bình sẽ nghiêm túc để ý tới các chi tiết mà Triều Tiên và Mỹ đặt lên bàn đàm phán, cũng như vai trò mà nước này có thể nắm giữ khi những cuộc nói chuyện được tiến hành.
Dù Trung Quốc từ lâu can thiệp sâu sắc vào vấn đề Triều Tiên, thời gian gần đây nước này phải "ngồi ghế sau" và quan sát những tiến triển mà các bên liên quan như Hàn Quốc, Mỹ, Triều Tiên đang thúc đẩy.
Để vai trò trực tiếp trong những diễn biến tiếp theo, Trung Quốc đang gây áp lực để trở thành nơi tổ chức cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Kim. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, việc này khó xảy ra khi các bên liên quan không muốn Trung Quốc có quá nhiều ảnh hưởng đến cuộc thượng đỉnh.
Trung Quốc và Mỹ vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn trong vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Getty. |
Bắc Kinh cùng phe chiến đấu với Bình Nhưỡng trong chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Nước này cũng cùng đặt bút ký thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt cuộc chiến trên và đẩy hai miền liên Triều vào mối thù địch dai dẳng. Kể từ đó, Trung Quốc nhiều lần đầu tư và viện trợ cho Triều Tiên.
"Tuy nhiên, rõ ràng là Washington, và có lẽ cả Bình Nhưỡng, không muốn Bắc Kinh 'nhúng tay' quá nhiều vào cuộc thượng đỉnh lần này khi Mỹ và Trung Quốc có nhu cầu không chỉ rất khác nhau mà còn là độc quyền của mỗi nước. Vì vậy, tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng là một phép thử thật sự đối với hai cường quốc của thế giới", nhà báo Cary Huang của tờ South China Morning Post viết.