Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ - Trung sẽ giao tranh thương mại hơn 10 năm?

Nhà kinh tế Yi Xiong của Deutsche Bank nhận định chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng giống cuộc đối đầu Mỹ - Nhật Bản, kéo dài hơn 10 năm thời thập niên 1980.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài suốt 18 tháng qua và liên tục leo thang nghiêm trọng trong những ngày gần đây. Tuần trước, căng thẳng bùng lên khi Trung Quốc tuyên bố đánh thuế 5-10% lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ và khôi phục lại thuế áp lên ôtô Mỹ.

Phản ứng lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế lên 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và “ra lệnh” cho các công ty Mỹ rút khỏi nước này. Ông Trump nhấn mạnh “không có Trung Quốc thì Mỹ sẽ sống khỏe hơn”.

“Trung Quốc đã xác định đây là một cuộc chiến kéo dài, vượt ra ngoài phạm vi thương mại”, CNBC dẫn lời nhà kinh tế Yi Xiong của Deutsche Bank nhận định. “Cuộc chiến này có thể dằng dai như thương chiến Mỹ - Nhật Bản thời thập niên 1980, kéo dài hơn 10 năm”.

chien tranh thuong mai My - Trung anh 1
Quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng xấu đi sau những đòn trả đũa qua lại của hai bên. Ảnh: Getty Images

Trung Quốc sẽ chờ đợi

Căng thẳng thương mại Mỹ - Nhật Bản manh nha từ thập niên 1950, bắt đầu nóng dần lên trong thập niên 1960 và bùng phát thành chiến tranh vào cuối thập niên 1970, kéo dài suốt thập niên 1980. Khi đó, Chính quyền Tổng thống Ronald Reagan đánh giá Nhật Bản là mối đe dọa kinh tế lớn nhất đối với Mỹ.

Theo chuyên gia từng nhiều năm theo dõi thị trường Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh không muốn nhanh chóng đạt một thỏa thuận với Washington. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không có ý định trả đũa Mỹ mạnh tay.

“Chiến lược của Bắc Kinh có thể là kiên nhẫn chờ đợi trong một thời gian dài, sau khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump trôi qua”, chuyên gia Yi Xiong đánh giá.

Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ, nhưng nhiều khả năng sẽ không nhượng bộ thêm. Hiện tại, nước này đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ.

Cuối tuần trước, Nhân Dân nhật báo đăng một số bài nói về việc Trung Quốc mở rộng hợp tác với Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ Latinh.

chien tranh thuong mai My - Trung anh 2
Tại một hải cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Ảnh: Reuters

Chính quyền Bắc Kinh cũng đang nỗ lực phát triển thị trường nội địa. Hôm 27/8, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố 20 biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, bao gồm áp dụng công nghệ để hỗ trợ phân phối hàng hóa, cải thiện chất lượng phố đi bộ và chợ đêm ở các thành phố lớn, mở rộng mạng lưới cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc…

Theo nhà kinh tế Yi Xiong, việc Trung Quốc đánh thuế 5-10% lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ không phải là nước cờ nhằm gây tổn thương nền kinh tế Mỹ. Quy mô của đòn trả đũa này quá nhỏ. Ông Yi Xiong giải thích Bắc Kinh muốn cho thấy nước này sẽ không nhượng bộ, qua đó có thể ngăn chặn Washington tiếp tục “nã pháo” thuế.

Quan hệ Mỹ - Trung sẽ không thể phục hồi

“Trung Quốc sẽ lại phản ứng nếu Mỹ tiếp tục đánh thuế, nhưng với các biện pháp có quy mô nhỏ. Trung Quốc cũng sẽ ngần ngại không dám áp dụng các đòn tấn công phi thương mại, ví dụ như trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở nước này”, chuyên gia Yi Xiong nhấn mạnh.

Trên thực tế, Trung Quốc đến nay vẫn chào đón các doanh nghiệp Mỹ. Chuỗi bán lẻ Costco vừa mở siêu thị đầu tiên tại Thượng Hải và ngay lập tức hàng nghìn khách hàng ùa đến mua sắm. Nhà máy của Tesla vẫn đang được xây dựng tại Thượng Hải “với tốc độ tối đa” như Tân Hoa Xã mô tả.

Trên thực tế, trong 18 tháng qua, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã leo thang thành chiến tranh công nghệ và tiền tệ.

chien tranh thuong mai My - Trung anh 3
Giới chuyên gia cho rằng quan hệ Mỹ - Trung rất khó phục hồi. Ảnh: Reuters

“Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vượt rất xa phạm vi thương mại, do đó Bắc Kinh sẽ không giành được nhiều lợi ích khi hai bên đạt một thỏa thuận thương mại. Khả năng chiến tranh thương mại chấm dứt, quan hệ Mỹ - Trung nồng ấm trở lại là điều không thể”, nhà kinh tế của Deutsche Bank giải thích.

Hồi đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Trump đưa Huawei Technologies - nhà cung cấp hạ tầng 5G lớn nhất thế giới - vào “danh sách đen” vì vấn đề an ninh quốc gia. Washington cũng đưa Trung Quốc vào danh sách “các quốc gia thao túng tiền tệ” khi đồng NDT sụt giá.

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tuyên bố giữa Mỹ và Trung Quốc có quá nhiều vấn đề về cơ cấu cần phải giải quyết trước khi đạt thỏa thuận thương mại. Đó là tình trạng tin tặc Trung Quốc tấn công mạng lưới doanh nghiệp Mỹ, nạn ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, hành vi thao túng tiền tệ…

Công ty nước ngoài chạy khỏi Trung Quốc, hàng loạt nhà máy tê liệt

Chiến tranh thương mại leo thang, nhiều công ty sản xuất quần áo thể thao nước ngoài ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, khiến hàng loạt nhà máy nước này rơi vào cảnh tê liệt hoàn toàn.

Minh Phụng

Bạn có thể quan tâm