Tuần trước, Mỹ bắt đầu hạn chế thị thực với các quan chức chính phủ và quân đội của Ethiopia, những người Mỹ coi là phá hoại nỗ lực giải quyết chiến tranh Tigray. Ngoài ra, Washington cũng cắt giảm sự hỗ trợ về kinh tế và an ninh với người dân Ethiopia, theo AP.
Quyết định này đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt, khiến hàng nghìn người dân Ethiopia đổ ra đường để biểu tình trong ngày 30/5.
Tại thủ đô Addis Ababa, những người biểu tình tụ tập, mang theo biểu ngữ chỉ trích Mỹ và các nước có chung quan điểm. Một vài người nói chủ quyền Ethiopia đang bị đe dọa, những người khác giơ cao biển hiệu: “Tuổi trẻ Ethiopia tố cáo sự can thiệp từ phương Tây”.
Chiến tranh Tigray buộc nhiều người dân phải rời nơi cư trú. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, chính phủ Ethiopia miêu tả hành động của Mỹ là “sai lầm” và “đáng tiếc”. Bộ Ngoại giao nước này đăng tải trên Twitter: “Chính phủ Ethiopia sẽ không nhụt chí trước quyết định đáng tiếc này của chính quyền Mỹ”.
“Nếu họ quyết tâm can thiệp vào các vấn đề nội bộ và phá hoại mối quan hệ song phương kéo dài cả thế kỷ, chính phủ Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia buộc phải đánh giá lại quan hệ với Mỹ”, tuyên bố cho biết.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ tháng 11/2020, sau khi Ethiopia cáo buộc các cựu lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) ra lệnh tấn công một căn cứ quân đội trong khu vực.
Quân đội Ethiopia nhanh chóng đánh bại lực lượng TPLF tại nhiều thành phố và thị trấn lớn. Dù vậy, khắp khu cao nguyên Tigray vẫn ghi nhận nhiều cuộc giao tranh du kích, buộc hơn 2 triệu người dân phải sơ tán.
Quân đội Ethiopia cũng bị chỉ trích khi thực hiện nhiều vụ thảm sát, tấn công quy mô lớn nhắm vào dân thường. Theo các nhân chứng, chính quyền địa phương và nhiều nhóm cứu trợ, những hành động bạo lực ở Tigray bao gồm hãm hiếp tập thể và sát hại người phi pháp. Ước tính hàng nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến Tigray.