Theo Channel News Asia, cuộc "khẩu chiến" ngày 19/3 bắt đầu khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu. Bà kể về nguồn gốc là con cháu nô lệ gốc Phi của mình, và nói chế độ nô lệ từng tồn tại ở mọi ngóc ngách trên thế giới, bao gồm Mỹ. “Đáng buồn là nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay”.
Sau đó, nữ đại sứ Mỹ chỉ trích các hành vi của Trung Quốc đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Dai Bing lên phát biểu phản bác, dù tên ông không có trong danh sách diễn giả ban đầu. Ông gọi các cáo buộc là tin đồn nhảm, là "lời nói dối trơ tráo”.
Đai sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: Reuters. |
Ông cũng cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, nói rằng “dối trá chỉ là dối trá và sự thật cuối cùng sẽ thắng thế”.
Đề cập đến chia sẻ về xuất thân của bà Thomas-Greenfield, ông Dai Binh cho rằng đại diện phía Mỹ thừa nhận “tình hình nhân quyền đáng kinh ngạc của nước mình, nhưng điều đó không có nghĩa là quốc gia này được quyền dạy bảo các nước khác phải làm gì”.
“Tôi đề nghị các bạn nên thực hiện các biện pháp thiết thực để chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và thù ghét, thậm chí giết hại dã man những người gốc Phi và gốc Á tại Mỹ”, ông Dai nói.
Cũng trong ngày 19/3, đại diện cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc hội đàm gặp mặt trực tiếp đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden ở bang Alaska.
Người dẫn đầu đoàn Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, thẳng thắn đề cập đến các hành vi của Trung Quốc ở Đài Loan, Tân Cương và Hong Kong.
Hai đại diện của Trung Quốc, gồm Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị, đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ; nói rằng Mỹ nên tập trung vào tình hình rối ren ở nước mình, thay vì can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.