“Sẽ có một trật tự thế giới mới và chúng ta phải dẫn đầu”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” tại Ukraine. Ở bên ngoài Trái Đất, quá trình chuyển đổi đó cũng đang diễn ra.
Giống như trong thời đại của Sputnik và Apollo hơn nửa thế kỷ trước, các nhà lãnh đạo thế giới một lần nữa đang chạy đua để thống lĩnh không gian, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, một điểm khác biệt đã xuất hiện: Trong khi Mỹ và Liên Xô từng đưa ra một bộ quy tắc chung tại Liên Hợp Quốc, lần này các siêu cường hàng đầu thế giới thậm chí không thể thống nhất nguyên tắc cơ bản để quản lý hoạt động trên vũ trụ.
"Hai bộ quy tắc trái ngược nhau"
Việc Mỹ và Trung Quốc thiếu hợp tác trong việc thám hiểm không gian là đặc biệt nguy hiểm trong thời đại mà vũ trụ “ngày càng đông đúc”. Các tỷ phú như Elon Musk và Jeff Bezos, cùng với các quốc gia mới nổi trong lĩnh vực này như Rwanda và Philippines, đang phóng ngày càng nhiều vệ tinh để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và khám phá các cơ hội thương mại.
Khi đề cập đến Mỹ và Trung Quốc, rủi ro còn cao hơn. Việc hai nước này không thể hợp tác trong không gian có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và xung đột về việc khai thác nguồn tài nguyên trên Mặt Trăng và những nơi khác. Nguồn tài nguyên đó có thể trị giá hàng trăm tỷ USD.
“Rủi ro lớn nhất là việc có hai bộ quy tắc trái ngược nhau”, Malcolm Davis, một cựu quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Australia, hiện nghiên cứu chính sách về không gian, nhận định.
Một tên lửa được SpaceX phóng vào tháng 12/2021. Ảnh: SpaceX. |
Địa chính trị trên không gian, điều từng giúp các quốc gia đối đầu liên kết với nhau vì lợi ích của nhân loại, hiện phản ánh sự cạnh tranh khiến Mỹ và các đồng minh của họ đối đầu Trung Quốc và Nga.
Trung tâm của cuộc tranh chấp là Hiệp định Artemis do Mỹ soạn thảo, một bộ nguyên tắc không ràng buộc về mặt pháp lý để điều chỉnh hoạt động trên Mặt Trăng, sao Hỏa,... Sáng kiến này là nền tảng cho nỗ lực của NASA nhằm đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng trong thập kỷ này và bắt đầu các hoạt động khai thác khoáng sản tại đây.
Cho đến nay, 19 quốc gia đã đồng ý ủng hộ hiệp định, trong đó có Ukraine. Hiệp định là một phần trong nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm thiết lập “một bộ tiêu chuẩn rộng rãi và toàn diện” cho không gian, Phó tổng thống Kamala Harris phát biểu ngày 18/4.
Trung Quốc và Nga đã phản đối hiệp định này, đồng thời tuyên bố tăng cường hợp tác trên không gian. Họ đang cùng nhau xúc tiến một dự án trên Mặt Trăng, trong đó tuyên bố sẽ rộng cửa chào đón tất cả quốc gia: Trạm Nghiên cứu Quốc tế về Mặt Trăng (ILRS).
Một trong những vấn đề chính của Trung Quốc đối với Hiệp định Artemis là điều khoản cho phép các quốc gia chỉ định "vùng an toàn" trên Mặt Trăng. Đây là các khu vực trên bề mặt Mặt Trăng mà các quốc gia khác nên tránh.
Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, các vùng an toàn này vi phạm luật pháp quốc tế. Bắc Kinh muốn mọi quy tắc phải được ra quyết định tại Liên Hợp Quốc, nơi họ có thể trông cậy vào sự hỗ trợ từ các quốc gia mong muốn có quan hệ hữu nghị với nước này.
Trung Quốc có lý do để nghi ngờ những nỗ lực của Mỹ trong không gian. Luật của Mỹ, lần đầu tiên được thông qua vào năm 2011, gần như ngăn cản NATO hợp tác với các đối tác từ Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ đã ngăn Trung Quốc tham gia vào Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Động thái này được coi là nhân tố thúc đẩy Bắc Kinh xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình.
Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos Dmitry Rogozin hồi cuối tháng 4 tuyên bố Moscow đã quyết định rời ISS vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong khi chương trình không gian của Nga bị thu hẹp trước “chiến dịch quân sự”, Trung Quốc đang nhanh chóng tiến tới mục tiêu ngang bằng với năng lực trong không gian của Mỹ.
Nhu cầu cấp thiết
Khi Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác nhắm tới Mặt Trăng, nhu cầu thiết lập những quy tắc để tránh xung đột ngày càng trở nên cấp thiết.
Không giống như Trái Đất, Mặt Trăng có thể chứa một lượng lớn helium-3, một đồng vị có khả năng thay thế cho uranium tại các nhà máy điện hạt nhân vì nó không phóng xạ.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm thấy nguyên tố này trong đá trên Mặt Trăng và đưa trở lại Trái Đất vào cuối năm 2020. Ngoài ra, nước được lấy từ các cực của Mặt Trăng cũng có thể được sử dụng để làm nhiên liệu tên lửa.
Hiện tại, Mỹ dường như đang đi trước các quốc gia về việc diễn giải các quy tắc hoạt động trong không gian. Khi Hiệp định Artemis có thêm các bên ký kết mới, Trung Quốc vẫn đang chờ đợi quốc gia khác, ngoài Nga, hợp tác tại ILRS.
Mô hình trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Ảnh: Future Publishing. |
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi tháng 3 đưa tin rằng các cuộc đàm phán đang được thực hiện với Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Saudi Arabia về việc tham gia ILRS. Tuy nhiên, xung đột tại Ukraine có thể sẽ khiến dự án này kém hấp dẫn đối với một số quốc gia.
Mặc dù Trung Quốc không cần chuyên môn của Nga, tính toán chiến lược khiến Bắc Kinh khiến họ khó có thể từ bỏ Moscow trong nỗ lực giành được nhiều đối tác tiềm năng hơn. Quan chức không gian hàng đầu của Nga cũng kêu gọi hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, Washington và Bắc Kinh đã cáo buộc lẫn nhau, liên quan đến việc vệ tinh do SpaceX phóng đã đến gần trạm vũ trụ của Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc đệ đơn khiếu nại lên Liên Hợp Quốc, Mỹ cho rằng một thông báo là không cần thiết, ngụ ý Bắc Kinh đã phóng đại rủi ro. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên còn cho biết Mỹ đã không phản hồi email để thảo luận về vụ việc.
Điều đó chỉ ra vấn đề lớn hơn của Trung Quốc đối với Hiệp định Artemis: Bắc Kinh khó chịu vì bị gạt sang một bên và bị ép chấp nhận các nguyên tắc do Mỹ tạo ra, thay vì tại Liên Hợp Quốc, theo Jessica West, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện nghiên cứu Project Ploughshares.
Mâu thuẫn về việc ai là người đưa ra các quy tắc cho thấy thế giới còn rất nhiều việc phải làm để tránh xung đột trong không gian, bà West cho biết thêm.