Chính phủ Mỹ nói rằng một tổ chức bên ngoài đã mô phỏng cho FBI khả năng mở khóa chiếc điện thoại của kẻ sát nhân. Trong khi Bộ Tư Pháp cần kiểm nghiệm trước phương pháp này, nó “sẽ loại bỏ sự cần thiết của Apple” nếu thực sự thành công. Bộ Tư Pháp sẽ trình lên tòa án báo cáo tiến trình vào ngày 5/4 tới.
Tim Cook từng tuyên bố họ không muốn đối đầu với Chính phủ vì bảo mật trên một chiếc iPhone, nhưng họ sẽ không nhân nhượng.
Hôm qua, thẩm phán Sheri N.Pym đồng ý tạm hoãn phiên biện minh. Việc xuất hiện cách mở khóa từ bên thứ ba gây bất ngờ, Chính phủ trước đó nhiều lần khẳng định họ không có cách nào mở khóa thiết bị khi không có sự trợ giúp từ Apple. Giám đốc FBI James B.Comey Jr. cũng từng nêu quan điểm này nhiều lần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 1/3.
“Đây chỉ là sự trì hoãn một cuộc chiến không thể tránh khỏi mà trong đó Chính phủ ép buộc Apple mở khóa an ninh trên thiết bị của họ”, Alex Abdo, luật sư của Liên minh Tự do Quốc gia Mỹ cho biết.
Với Bộ Tư Pháp, bẻ khóa iPhone sẽ mang lại nhiều kết quả khác nhau. Trong khi nó cho phép các cơ quan chức năng tiếp cận dữ liệu phá án, điều này cũng nhanh chóng cắt ngắn những tranh cãi FBI mang đến trước Apple từ nhiều năm.
Dù kết quả vụ việc ra sao, Quốc hội Mỹ nhiều khả năng sẽ hợp pháp hóa việc bắt buộc mở khóa, nhưng nếu FBI đã tự mở khóa được, quá trình này có thể chậm lại.
Ngoài ra, vụ việc có thể lại bùng lên nếu phương pháp từ bên thứ ba thất bại. Trả lời New York Times qua điện thoại, các sỹ quan hành pháp Chính phủ nói rằng, họ đã phải làm đủ mọi cách để mở khóa chiếc iPhone. Nếu Chính phủ quá mỏi mệt vì việc tìm kiếm này, họ chỉ còn một cách là tiếp tục vụ kiện.
Các cơ quan hành pháp từ chối tiết lộ công ty cung cấp giải pháp mở khóa. Họ thể hiện sự lạc quan sẽ tiếp cận được dữ liệu từ thiết bị, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn. Chính phủ đã phải dùng tới những đạo luật có từ năm 1789 để bảo vệ quan điểm của mình.
“Vấn đề còn lại là đạo luật All Writs Act có còn hiệu lực để Chính phủ ép buộc Apple, một bên thứ ba, tạo ra một sản phẩm mà họ gọi là “cửa sau” hay không, Josepth DeMarco, một ủy viên liên bang từng ủng hộ Bộ Tư Pháp lên tiếng, “nhưng nếu họ tìm được cách khác để mở khóa, rõ ràng đạo luật không còn mấy hữu dụng”.
Trong một tuyên bố, Melanie Newman, phát ngôn viên từ Bộ Tư Pháp nói rằng FBI phải tiếp tục tìm cách tiếp cận dữ liệu từ chiếc iPhone vật chứng, dù cuộc đối đầu với Apple có kết quả ra sao.
Một quản lý cấp cao của Apple cho biết nếu chính phủ không mở khóa được điện thoại và tiếp tục vụ kiện, Apple sẽ yêu cầu được biết thông tin về đơn vị tuyên bố mở khóa được iPhone nhằm thắt chặt hơn nữa những lổ hỗng an ninh của họ. Ông nói rằng Apple không biết Chính phủ sẽ dùng phương pháp gì và họ sẽ cần biết thêm.
Trong lúc đó, Apple vẫn tiếp tục lặp lại quan điểm của họ về bảo mật. Tại sự kiện ngày 21/3, Tim Cook cũng nhấn mạnh triết lý của họ rằng “đây là vấn đề sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chúng ta và chúng tôi sẽ không rút chân khỏi trách nhiệm này”.