Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ tìm cách hạn chế dựa dẫm nguồn cung chip vào Đài Loan

Đặt mục tiêu lấy lại vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp chất bán dẫn, Mỹ phải đối mặt với nhiều khó khăn cùng chi phí xây dựng khổng lồ.

Theo Nikkei Asia Review, trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 12/4 với lãnh đạo các công ty sản xuất chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nguồn cung chip, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất một chiến lược hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn - ngành vốn bị độc chiếm bởi các nước châu Á - cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong hội nghị, ông Biden thúc giục Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư 50 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn. Bằng cách gia tăng những cái tên Mỹ trong ngành công nghiệp chip, tổng thống Mỹ mong muốn chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu sẽ linh hoạt và đa dạng nguồn cung hơn. "Nước Mỹ sẽ dẫn đầu thế giới lần nữa", ông Biden nói.

Tuy nhiên, mục tiêu lấy lại vị thế dẫn đầu của ngành công nghiệp chất bán dẫn đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc. Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung chip cho thấy toàn thế giới đang dựa dẫm vào khả năng sản xuất của Đài Loan.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) tính toán nếu hoạt động sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan ngừng hoàn toàn trong một năm, doanh thu hàng năm của các công ty sản xuất thiết bị điện tử trên toàn cầu sẽ thiệt hại đến 490 tỷ USD. Con số này tương đương 20% tổng doanh số 2.400 tỷ USD quy mô thị trường điện tử trong năm ngoái.

cuoc chien chat ban dan my chau a anh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden cầm một tấm wafer silicon trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các lãnh đạo doanh nghiệp về chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Ảnh: AP.

Tầm quan trọng của Đài Loan trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn ngày càng tăng khi TSMC trở thành xưởng đúc chip cho nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới như Apple. Theo TrendForce, các công ty Đài Loan kiểm soát khoảng 64% thị trường đúc chip, trong đó riêng TSMC nắm giữ hơn một nửa thị phần.

Nhờ vào TSMC và các công ty cùng ngành, những công ty phát triển và thiết kế phần mềm chip như Qualcomm phát triển mạnh mẽ. Một số công ty khác dù có nhà máy riêng nhưng cũng không thể hoàn toàn độc lập với các xưởng đúc chip Đài Loan.

Nhiều công ty bán dẫn phải dựa vào các xưởng đúc Đài Loan để sản xuất nguồn cung đầu vào. Điều này có nghĩa bất kỳ sự gián đoạn nào ở Đài Loan cũng gây ra làn sóng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Theo báo cáo của công ty BCG, châu Á trở thành cột sống của ngành sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, trong đó Đài Loan và Hàn Quốc cùng chiếm khoảng 43% công suất sản xuất chất bán dẫn trên toàn thế giới. Trong khi đó, vị thế của Mỹ giảm 7 điểm phần trăm, xuống 12%, thậm chí bị Trung Quốc vượt mặt với tỷ lệ 15%.

Cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu khiến các nhà sản xuất ôtô Mỹ và Nhật Bản phải thu hẹp quy mô sản xuất. Những nỗ lực đưa chuỗi cung ứng về đất Mỹ sẽ vô cùng tốn kém.

Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn ước tính Mỹ cần chi trả trước từ 350 - 420 tỷ USD để xây dựng một chuỗi cung ứng tự cung tự cấp, trong khi đó Trung Quốc chỉ cần đầu tư khoảng 175 - 250 tỷ USD. Nếu những chi phí này chuyển cho khách hàng, giá chip trong tương lai có khả năng tăng trung bình 35 - 65%.

Ngành công nghiệp này cũng có thể đối mặt với tình trạng dư cung khi nhu cầu giảm xuống mức bình thường sau giai đoạn tăng nóng. Rủi ro và chi phí xây dựng khổng lồ có nguy cơ khiến nước Mỹ thiệt hại lớn hơn cả cuộc khủng hoảng thiếu chip hiện tại.

Bùi Ngọc

Bạn có thể quan tâm