Mỹ thử máy bay tốc độ 2 km/giây
Quân đội Mỹ hôm nay thử nghiệm loại máy bay không người lái siêu thanh thế hệ mới mang tên X-51 WaveRider trên biển Thái Bình Dương.
Theo kế hoạch, vụ thử nghiệm mới nhất sẽ diễn ra vào lúc 17 h GMT từ căn cứ không quân Edwards, California. Đây vốn là nơi nghiệm thu các loại phi cơ mới hay những thử nghiệm táo bạo, áp dụng những công nghệ chưa từng được sử dụng.
Máy bay không người lái siêu thanh X-51 WaveRider. |
X-51 WaveRider trong lần thử nghiệm này sẽ được máy bay ném bom chiến lược B-52 thả từ độ cao 15.000 m. Phần động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn sẽ ngay lập tức được khởi động, đẩy nó bay lên với vận tốc Mach 4,5 (5.500km/h) trong khoảng 30 giây. Sau đó, phần tên lửa đẩy sẽ tách khỏi X-51 WaveRider, nhường chỗ cho động cơ của chiếc máy bay không người lái hoạt động.
Để tăng tính hiệu quả của động cơ đẩy, luồng không khí cực mạnh, tạo ra trong quá trình X-51 WaveRider di chuyển, sẽ được tận dụng để đưa vào buồng đốt động cơ qua cửa hút gió nằm dưới bụng X-51 WaveRider. Do được thiết kế để di chuyển với tốc độ cực nhanh nên phần mũi phi cơ và miệng cửa hút gió đều được chế tạo từ loại nguyên liệu đặc biệt, giúp nó không bị hư hại trong quá trình ma sát với không khí.
X-51 WaveRider là sản phẩm hợp tác giữa không quân Mỹ với các hãng sản xuất máy bay và khí tài quân sự hàng đầu của Mỹ như DARPA, Boeing, Pratt & Whitney Rocketdyne và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Chương trình được Phòng Nghiên cứu, Thí nghiệm Không quân Mỹ (AFRL) trực tiếp theo dõi giám sát.
Xe nâng đưa X-51 WaveRider tới vị trí lắp đặt. |
Trong những năm 1990, AFRL bắt đầu chương trình nghiên cứu HyTECH với mục đích chế tạo các động cơ đẩy siêu âm. Hãng Pratt & Whitney Rocketdyne, tập đoàn chuyên sản xuất động cơ đẩy cho phi cơ Mỹ, nhận được một hợp đồng từ AFRL để phát triển động cơ Scramjet sử dụng nhiên liệu hydrocarbon, tiền thân của loại động cơ SJX61.
Ban đầu, SJX61 được sử dụng cho chương trình mang tên X-43 của NASA nhưng bị hủy bỏ. Sau đó, nó được sử dụng cho dự án mang tên Scramjet Engine Demonstrator của AFRL vào năm 2003. Những máy bay bội siêu âm được ra đời sau khi dự án trên được đưa vào hoạt động gần 2 năm. Tháng 9/2005, chiếc X-51 WaveRider đầu tiên được thử nghiệm.
X-51 WaveRider được lắp đặt dưới cánh chiếc B-52. |
Không ai biết tin tức gì về vụ thử nghiệm này nhưng 4 năm sau đó, phiên bản 2 của loại máy bay siêu thanh là X-51A được lắp dưới cánh máy bay ném bom chiến lược B-52, cất cánh từ Căn cứ Không quân Edwards. Vụ thử nghiệm tháng 7/2009 cũng không đạt được thành công nào vang dội.
Mãi đến ngày 26/5/2010, chiếc máy bay siêu thanh không người lái đầu tiên mới thực hiện được điều mà các nhà chức trách Mỹ mong muốn. Được thả từ máy bay B-52 ở độ cao 15.200m, chiếc phi cơ không người lái đạt đến vận tốc Mach 5 (khoảng 6.000km/h) và đạt đến độ cao 21.000 m sau hơn 200 giây kể từ khi được phóng. Tuy nhiên, nó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của quân đội Mỹ bởi theo lịch trình, chiếc X-51 phải bay thêm 100 giây nữa trước khi rơi xuống.
Trong tháng 6/2011, X-51 cũng được B-52 thả từ độ cao 15,2km nhưng chỉ đạt tới tốc độ Mach 5 bởi phần động cơ thứ 2 của chiếc máy bay siêu thanh không hoạt động. Các điều tra cho thấy, sự cố trong hệ thống nhiên liệu là nguyên nhân khiến phi cơ không thể hoạt hoàn tất lịch trình đã định.
Các chuyên gia kiểm tra chiếc B-52 lần cuối trước giờ thử nghiệm. |
Chuyến thử nghiệm tiếp theo của X-51 WaveRider được lên kế hoạch ngay sau đó và ấn định thực hiện vào ngày hôm nay. Các nhà chức trach Mỹ kỳ vọng, X-51 WaveRider trong thử nghiệm lần này sẽ bay trong không trung trong vòng 5 phút và đạt tới vận tốc Mach 6 (tương đương 7.200km/h).
Nếu thử nghiệm thành công, nó sẽ mở ra cho quân đội Mỹ một phương án tác chiến mới. Theo đó, Lầu Năm Góc có thể phát động các cuộc tấn công trên phạm vi toàn thế giới chỉ trong vòng vài chục phút.
Video: Mô phỏng quá trình hoạt động của máy bay không người lái siêu thanh X-51 WaveRider. |
Video: Phóng thử nghiệm máy bay không người lái siêu thanh tháng 6/2011. |
Trịnh Duy
Theo Infonet.vn