“Hội nghị thượng đỉnh này sẽ tăng cường nỗ lực tập thể của chúng ta để chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho các mối đe dọa y tế tương lai”, thông báo chung của Mỹ và các nước đồng chủ trì cho biết hôm 18/4, theo AFP.
Hội nghị trực tuyến này do Mỹ, Đức (chủ tịch hiện tại của nhóm G7), Indonesia (chủ tịch nhóm G20), Senegal (chủ tịch Liên minh châu Phi) và Belize (chủ tịch Cộng đồng Caribbean) đồng chủ trì.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng chủ trì hội nghị tương tự vào tháng 9/2021. Ảnh: Reuters. |
Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh toàn cầu thứ hai bàn về đại dịch, theo AFP. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng chủ trì hội nghị tương tự vào tháng 9/2021. Tại sự kiện ấy, ông Biden từng thúc giục các đối tác đảm bảo mục tiêu 70% người dân ở mọi nước được tiêm chủng vào tháng 9 tới.
Dù tỷ lệ tử vong đang giảm trên toàn cầu, nCoV tiếp tục lây lan, qua đó ngăn chặn nhiều nước dỡ bỏ hoàn toàn quy định chống dịch.
Tuyên bố các nước chủ trì kêu gọi thế giới duy trì trạng thái cảnh giác.
“Trước thượng đỉnh ngày 12/5, chúng tôi kêu gọi lãnh đạo các nước, thành viên các tổ chức xã hội và phi chính phủ, các nhà từ thiện và khu vực tư nhân đưa ra các cam kết mới, cũng như giải pháp để tiêm chủng cho toàn cầu, cứu sống người dân và cải thiện an ninh y tế cho mọi người mọi nơi”, tuyên bố chung viết.
“Sự xuất hiện và phát tán của biến chủng mới như Omicron đã càng làm cấp thiết hơn nhu cầu có chiến lược kiểm soát Covid-19 trên phạm vi toàn cầu”, tuyên bố viết.
Hội nghị thượng đỉnh này diễn ra trong bối cảnh tham vọng của ông Biden để nước Mỹ trở thành “kho vaccine” cho thế giới đang gặp thách thức.
Gói ngân sách 10 tỷ USD dành cho ứng phó Covid-19 vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, trong khi các bên chưa thống nhất về việc dành thêm ngân sách cho công tác viện trợ vaccine cho nước ngoài.