Bobby Wayne Stone đã chọn được chết bằng tiêm thuốc độc, một trong hai hình thức tử hình ở bang South Carolina, Mỹ. Nhưng chính vì những loại thuốc độc này mà Stone lại được sống thêm.
Nguyên nhân là bang South Carolina đã hết các loại thuốc dùng để thi hành án tử hình đối với Stone, phạm tội giết người và lẽ ra bị xử tử ngày 1/12.
Đầu tháng 11, thẩm phán thành phố Las Vegas, Mỹ cũng tạm hoãn tiêm thuốc với một tử tù, vì bang Nevada hết thuốc và phải dùng loại thuốc mới.
So với xử bắn hay phòng hơi ngạt, tiêm thuốc độc được cho là biện pháp tử hình nhân đạo nhất, được bắt đầu áp dụng ở Mỹ, sau đó là một số nước khác bao gồm Việt Nam.
Tuy nhiên, 2 câu chuyện trên là những ví dụ mới nhất về sự khan hiếm thuốc dùng cho án tử hình ở Mỹ. Vấn đề này đang làm chậm quá trình thực thi công lý đối với nhiều tử tù đã gây ra các tội ác từ hàng chục năm trước.
Phòng tiêm thuốc của nhà tù San Quentin, bang California. Ảnh: AP. |
Mũi tiêm nhân đạo ... không có thuốc
Quy trình tiêm thuốc bao gồm thuốc gây mê, kèm theo một thuốc làm tê liệt thần kinh và cơ bắp và một thuốc quyết định làm tim ngừng đập. Nhờ vậy mà tội nhân tránh được đau đớn về thể xác.
Tuy nhiên vì không muốn hình ảnh bị tổn hại, nhiều công ty dược phẩm lớn nhất thế giới đã cấm các nhà phân phối ở Mỹ bán sản phẩm cho chính quyền với mục đích tử hình.
"Nguyên nhân chúng tôi không có các loại thuốc này mặc dù đã làm hết sức để nhập chúng là các công ty sản xuất, các nhà phân phối, và các tiệm pha chế đều không muốn bị phát hiện", Thống đốc bang South Carolina Henry McMaster nói với các phóng viên.
Nhiều bang ở Mỹ đã ban hành luật giữ bí mật danh tính các công ty bán thuốc dùng để tử hình, với lí do họ sẽ chịu sự trả đũa, thậm chí là bạo lực từ những người phản đối, theo New York Times. Nhưng bang South Carolina không nằm trong số này.
Bang Ohio ngừng việc tiêm thuốc từ năm 2015 tới giữa năm 2017 cũng vì không nhập được thuốc.
Tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới Pfizer cùng một vài công ty khác còn ra tòa để đòi lại thuốc và ngăn không cho bang Arkansas và Nevada dùng thuốc vào việc tử hình, theo Washington Post.
Johnson & Johnson cũng phản đối bang Florida đưa một thuốc gây mê mà hãng này phát minh vào quy trình tiêm thuốc tử hình.
Thuốc gây mê sodium thiopental từng được sử dụng trong án tử hình. Ảnh: Getty Images. |
Châu Âu cấm xuất khẩu thuốc
Tình trạng khan hiếm thuốc dùng cho tử hình ở Mỹ bắt đầu sau khi Hospira Inc., công ty duy nhất ở Mỹ được cấp phép sản xuất thuốc gây mê sodium thiopental, phải đóng cửa năm 2010, theo CBS News.
Các bang của Mỹ có áp dụng án tử hình đã gõ cửa Châu Âu để nhập khẩu thuốc, nhưng đều bị từ chối.
Chính phủ Anh hạn chế xuất khẩu sodium thiopental và một số thuốc khác cuối năm 2010. Sau lời kêu gọi của chính phủ Đức, 3 công ty bán sodium thiopental của nước này cam kết không bán cho các nhà tù ở Mỹ.
Mỹ chuyển sang thuốc gây mê pentobarbital, nhưng Lundbeck Inc. có trụ sở ở Đan Mạch, công ty duy nhất được phép bán thuốc này ở Mỹ, dưới sức ép dư luận vội vàng cấm bán thuốc này để tử hình.
Cuối năm 2011, EU ra lệnh cấm xuất khẩu 8 loại thuốc cho việc tử hình, bao gồm sodium thiopental và pentobarbital.
Bang Missouri, Mỹ, lại dự định dùng propofol, loại thuốc gây mê do Đức sản xuất đã gây ra cái chết của Michael Jackson. Giới y tế Mỹ phản ứng dữ dội vì lo sợ propofol, được dùng trong 95% các cuộc phẫu thuật, cũng sẽ bị EU cấm.
Việt Nam bãi bỏ hình thức xử bắn và thay bằng tiêm thuốc độc qua nghị định 82 năm 2011. Khó khăn trong việc nhập thuốc cũng được nêu lên tại Quốc hội, và năm 2013 mới lần đầu tiên thi hành án bằng tiêm thuốc.
Hình thức tử hình này còn có thể tốt hơn cho người thi hành án. "Tiêm thuốc độc nó nhẹ nhàng hơn, người chết cũng êm, mà người làm nhiệm vụ như chúng tôi cũng thấy bớt căng thẳng, ám ảnh hơn", báo Lao Động dẫn lời ông Hoàng Thế Vinh năm 2013, khi đó là thượng tá, trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự thuộc Công an tỉnh Bắc Giang.
Biểu tình phản đối án tử hình ở Philippines. Liên minh Châu Âu đã loại bỏ hoàn toàn án tử hình từ năm 2012, và đang kêu gọi chấm dứt hình phạt này trên toàn thế giới. Ảnh: Reuters. |
Tiêm thuốc vẫn gây đau đớn?
Tình trạng khan hiếm thuốc buộc các bang ở Mỹ thay thế, kết hợp những thuốc mới từ những công ty pha chế ít bị kiểm soát.
Nhưng điều này đã dẫn đến các vụ tử hình kéo dài và đau đớn, đã đẩy chính quyền vào những vụ kiện, và khiến công chúng nghi ngờ tính nhân đạo của hình thức tử hình được cho là ưu việt này, theo CBS News.
Các tử tù kiện chính quyền các bang, cho rằng việc dùng các loại thuốc mới có thể cấu thành "hình phạt dã man" trái với Hiến pháp Mỹ vốn nghiêm cấm "những hình phạt dã man và khác thường", theo Tu chính án số 8.
Các vụ kiện kéo dài đã khiến nhiều bang ở Mỹ, nơi khởi nguồn của hình thức tiêm thuốc, chưa thể thi hành án bằng chính hình thức này.
Trong vụ tử hình tai tiếng ở bang Ohio, Dennis McGuire, phạm tội hiếp dâm, sát hại một phụ nữ mới cưới và đang mang thai, đã vật lộn, thở dốc trong 26 phút hành hình, dài hơn so với 10-15 phút bình thường, theo Washington Post.
Bang Arizona vẫn đang tạm ngưng hành hình sau vụ tiêm thuốc rùng rợn kéo dài 1 giờ 57 phút đối với Joseph Wood III, phạm tội giết bạn gái và cha bạn gái.
Năm 2014, Clayton Lockett, phạm tội giết người và đốt xác thiếu nữ 19 tuổi, chết vì tiêm thuốc sau 43 phút vật lộn và kêu gào. Bang Oklahoma đã tạm hoãn 3 cuộc tiêm thuốc khác vì bị các tử tù kiện với lý do thuốc được sử dụng sẽ gây "đau đớn", theo New York Times.
"Vấn đề ở đây là liệu chúng ta có muốn tra tấn những người này đến chết trong quá trình tử hình họ hay không", báo Columbia Dispatch ở Ohio dẫn lời Allen Bohnert, luật sư đại diện cho vụ kiện bang Ohio vi phạm hiến pháp.
Tuy vậy, có ý cho rằng sự đau đớn đang bị thổi phồng. "Chúng ta đã trở nên mềm yếu đến nỗi phải cho những kẻ sát nhân thuốc mê trước khi xử tử chúng", Kent Scheidegger, giám đốc pháp lý của Tổ chức Công lý Hình sự, nói với New York Times.
"Hắn phạm tội giết người kinh hoàng mà mọi người chỉ chăm chú vào mấy loại thuốc. Sao không cho hắn một viên đạn?", người nhà một nạn nhân của Wood, nói vỡi hãng tin AP.
Biểu tình phản đối án tử hình ở bang Ohio năm 2017. Ảnh: Ohio Public Radio. |
Bánh xe công lý quay chậm
Nước Mỹ có 2.905 tử tù đang đợi thi hành án tính đến cuối 2016, theo New York Times. Năm 2016, 20 phạm nhân bị xử tử trên toàn nước Mỹ, so với 28 vào năm 2015. Theo đà này, phải mất 100-150 năm để nước Mỹ thi hành án với số tử tù hiện có.
"Sẽ chỉ có một phần nhỏ trong số họ bị thi hành án", tạp chí Economist bình luận. "Quy trình kháng cáo có thể dai dẳng hàng thập kỉ ... Sẽ càng nhiều tử tù chết vì tuổi già hoặc bệnh tật".
Thậm chí, phạm nhân Romell Broom còn kháng cáo cho rằng chính quyền không được phép hành hình lần thứ 2 sau khi Broom bị tiêm thuốc bất thành. Phải mất 8 năm để điều này bị tòa án bác bỏ.
Riêng bang California với 741 người là nơi giam nhiều tử tù nhất ở Tây bán cầu. Tuy nhiên, California chưa thi hành án tử hình từ năm 2006, sau khi bị tòa án bác bỏ quy trình tiêm thuốc, theo Los Angeles Times.
Trong số đó, có 18 tử tù đã dùng hết quyền kháng cáo và có thể bị xử tử ngay khi California thông qua các loại thuốc độc mới. Những người này đã hơn 50 tuổi và bị kết án vì những tội hình sự từ nhiều thập kỉ trước.
Như vậy, các loại thuốc độc dùng để cho các tử tù cái chết nhẹ nhàng, hóa ra lại gây nhiều kiện tụng và cho họ thêm thời gian. Cuộc sống biệt giam của họ vẫn chưa có hồi kết, cũng như những bi kịch mà họ gây ra với gia đình các nạn nhân.