Financial Times hôm nay đưa tin giới chức quốc phòng Mỹ đang lên kế hoạch triển khai một số chiến thuật mới nhằm ngăn chặn những bước tiến chậm nhưng chắc chắn của Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Những biện pháp mới bao gồm tăng cường máy bay trinh sát và hoạt động của lực lượng hải quân gần khu vực tranh chấp.
Washington điều chỉnh chiến thuật trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện những biện pháp nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ cũng thừa nhận rằng họ đang phải đối mặt với thách thức lớn: Lựa chọn chiến thuật nào cho phù hợp với mục tiêu ngăn chặn những động thái có quy mô nhỏ của Trung Quốc mà không đẩy căng thẳng leo thang thành xung đột quân sự. Một quan chức cấp cao của Mỹ nói: “Những nỗ lực của chúng ta nhằm ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông không mang lại hiệu quả”.
Một chiến hạm Mỹ thực thi nhiệm vụ trên Biển Đông. Ảnh: AP |
Căng thẳng gia tăng trên Biển Đông giữa Trung Quốc với một số quốc gia láng giềng đã phủ bóng đen lên cuộc gặp thường niên giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung ở Bắc Kinh từ ngày 9/7/2014. Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng tài chính Jack Lew phải đảm đương nhiệm vụ khá khó khăn. Họ vừa phải thúc đẩy mối quan hệ thất thường Mỹ - Trung, vừa phải làm rõ quan ngại của Mỹ về việc Trung Quốc mở rộng các hoạt động hàng hải và gián điệp mạng. Giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy khó chịu trước các cáo buộc của Washington về tấn công mạng, cũng như việc đồng minh của Mỹ thực hiện những biện pháp nhằm kiềm chế Bắc Kinh ở châu Á.
Một yếu tố quan trọng, đánh dấu sự thay đổi chiến thuật của Trung Quốc là hồi tháng 3 vừa qua, Washington đã điều các máy bay trinh sát P-8A tới bãi Cỏ Mây (Philippines gọi là Second Thomas Shoal). Khi đó, tàu Trung Quốc đang cố gắng ngăn cản hoạt động tiếp tế của Manila cho các binh sĩ trên một tàu hỏng mà Philippines cố tình làm đắm vào năm 1999. Máy bay Mỹ cố tình bay ở độ cao thấp để tàu Trung Quốc có thể thấy.
Quân đội Mỹ cũng chỉ thị Bộ tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii tham gia phát triển một hệ thống thông tin hàng hải khu vực, cho phép chính phủ các nước thuộc tây Thái Bình Dương tiếp cận thông tin chi tiết về vị trí các tàu trong khu vực. Mỹ cũng hỗ trợ Philippines, Nhật Bản và một số quốc gia khác các hệ thống radar và theo dõi tiên tiến. Hiện nay Washington cũng đang nghiên cứu cách thức để có thể chia sẻ mạng lưới thông tin này trên quy mô lớn hơn.
Lầu Năm Góc cũng đã và đang triển khai kế hoạch “phô trương lực lượng”, chẳng hạn việc điều máy bay B-52 tới biển Hoa Đông hồi năm ngoái sau khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm quần đào Senkaku/Điếu Ngư mà họ tranh chấp với Nhật Bản. Rất có thể Washington sẽ cử các tàu hải quân tới khu vực Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp.
Trước đó, hồi năm 2010, Tổng thống Mỹ Obama từng tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia ở khu vực Biển Đông. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Mỹ đã và đang thực hiện các hoạt động do thám trên không trong khu vực, đặc biệt là việc sử dụng máy bay P-8A.
Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế, cho rằng, các chuyến bay do thám mà Lầu Năm Góc thực hiện cho thấy “Mỹ quan tâm tới giải pháp hòa bình tại các khu vực tranh chấp và phản đối hành động áp bức của Trung Quốc”. Tuy nhiên, bà nhận định: “Tôi hoài nghi về khả năng kiềm chế Trung Quốc của những máy bay đó”.