Mỹ tập trận hải quân lớn nhất thế giới nhằm mục đích gì?
22 quốc gia chuẩn bị tham gia vào cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC 2012) tại Hawaii, Mỹ. Trong khi Nga lần đầu được mời tham gia sự kiện trọng đại này thì Trung Quốc lại bị phớt lờ.
Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, gồm tàu khu trục Panteleyev, tàu chở dầu Boris Butoma… hôm qua lên đường tới Hawaii để tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia này. |
Trong cuộc tập trận tới, Hải quân Mỹ có thể triển khai máy bay Super Hornet F/A-18, các tàu USS Nimitz và USS Arleigh Burke, chiến hạm USS Chafee - những tàu chạy bằng nhiên liệu sinh học - để chứng minh cho nỗ lực nghiên cứu và phát triển sức mạnh hải quân thân thiện với môi trường của Hải quân Mỹ. Mỹ kỳ vọng rất nhiều vào cuộc thử nghiệm này, sau thành công của chuyến hành trình dài 12.000 dặm của tàu khu trục loại nhỏ USS Ford lớp Oliver Hazard Perry sử dụng nhiên liệu sinh học hồi tháng 3/2012. |
RIMPAC 2012 được tổ chức từ ngày 11/7 tới 2/8. Năm nay, 45 tàu của 22 quốc gia từ Nga, Australia, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Peru, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Thái Lan, Tonga, Anh và Mỹ, sẽ tham gia vào cuộc tập trận. Nga lần đầu tiên tham gia hoạt động này theo lời mời của nhà tổ chức.
RIMPAC 2012 là cơ hội để các bên tham gia củng cố và duy trì quan hệ hợp tác, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho các tuyến đường biển. Hải quân các nước cũng tiến hành các chiến dịch "lưỡng cư", thử tên lửa, tàu ngầm và tập trận phòng không, bên cạnh các hoạt động chống cướp biển, dọn dẹp mìn, trục vớt, cứu hộ...
Ngoài ra, RIMPAC 2012 còn là cơ hội cho các lực lượng hải quân thử nghiệm và "giới thiệu" các công nghệ quân sự mới. Đặc biệt, đây là dịp để Hải quân Mỹ "trình diễn" công nghệ sử dụng nhiên liệu sinh học trên các chiến hạm, công nghệ thông tin liên lạc “laser –xanh", hứa hẹn mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của tàu ngầm và các phương tiện điều khiển từ xa (ROVs).
Ban Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ bỏ ra số tiền kỷ lục là 12 triệu USD để mua 450.000 gallon nhiên liệu sinh học – (sự đầu tư chưa từng có trong lịch sử) để đảm bảo hoạt động cho các tàu thuộc “Hạm đội xanh vĩ đại” (ám chỉ lực lượng hải quân sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường) trong suốt thời gian diễn ra RIMPAC 2012.
Theo Hải quân Mỹ, các tàu chiến trên mặt nước và chiến đấu cơ trên tàu sân bay sẽ được sử dụng để “kiểm tra, đánh giá và chứng minh tính tiện ích và hữu dụng của nhiên liệu sinh học”. Họ còn coi đây là cơ hội tuyệt vời để chứng minh tính đúng đắn của quyết định đổ "tiền tấn" vào nghiên cứu nhiên liệu sinh học trong bối cảnh Mỹ nỗ lực cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Giám đốc Văn phòng Điều phối Năng lượng Hải quân James Goudreau nhấn mạnh: “Nghiên cứu và phát triển nhiên liệu thay thế cho Hải quân không chỉ có ý nghĩa với các nguồn nhiên liệu xanh mà còn liên quan đến việc tăng cường khả năng chiến đấu”.
Ngoài ra, một điểm nổi bật không thể không nhắc đến tại RIMPAC 2012 chính là việc Hải quân Mỹ sẽ giới thiệu và thử nghiệm công nghệ thông tin liên lạc tàu ngầm thân thiện “laser–xanh”. Nếu họ thành công, công nghệ mới này sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả liên lạc thông tin giữa các tàu ngầm và các tàu nổi mà còn mang lại khả năng điều khiển hiệu quả hơn các ROVs. (Hiện việc liên lạc thông tin giữa các tàu ngầm thông thường dựa trên sóng vô tuyến nên không thể tiến hành xuyên qua nước biển như "laser-xanh".
Mỹ chuẩn bị "trình làng" nhiều công nghệ, cải tiến mới. |
Về phía Mỹ, việc "khoe cơ bắp" như kế hoạch trên được nhiều người coi là "dằn mặt" Trung Quốc, tiếp sau việc Washington tuyên bố dồn tàu chiến về Thái Bình Dương, duy trì tự do hàng hải... cũng như một loạt đòn "công kích" nhằm vào hải quân Trung Quốc.
Ngoài những vấn đề trên, RIMPAC 2012 là cơ hội để các quốc gia tham gia tăng cường khả năng hợp tác, chiến đấu; nhất là Nhật, Hàn Quốc (do gần Triều Tiên).
Về phía Hàn Quốc, họ tham gia RIMPAC 2012 trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên. Do đó, Seoul kỳ vọng hạm đội của họ (gồm các tàu khu trục Yulgok Yi-I và Choi Young, tàu ngầm lớp Chang Bogo, máy bay giám sát P-3C và một máy bay trực thăng chống tàu ngầm Lynx) sẽ thể hiện vai trò quan trọng trong các bài tập luyện.
Việc này quan trọng với Hàn Quốc bởi "màn biểu diễn" ở RIMPAC 2012 sẽ là đòn răn đe Triều Tiên; cũng như là bài luyện tập, nâng cao khả năng phòng thủ, đáp trả và tấn công của hải quân.
Dù Hàn Quốc bắt đầu tham gia RIMPAC từ những năm 1990 song RIMPAC 2012 sẽ là cuộc biểu dương lực lượng thực sự đầu tiên của hải quân nước này, nhất là khả năng đổ bộ. |
Trước đó, căng thẳng liên tục leo thang tại bán đảo Triều Tiên, bắt đầu từ tháng 3/2010, sau vụ chìm tàu quân sự Cheonan khiến 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng. Phía Hàn Quốc cáo buộc đây là cuộc tấn công của tàu ngầm của Triều Tiên. Khi vụ đắm tàu Cheonan còn chưa kịp "nguội" thì tháng 11/2010, Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong, giết chết 2 thường dân và 2 binh sĩ.
Cựu đại sứ Liên Hiệp Quốc Bill Richardson nhận định, vụ pháo kích đảo Yeonpyeong đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên “trở thành cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi Hiệp ước đình chiến năm 1943 được ký nhằm kết thúc chiến tranh Triều Tiên". Thêm vào đó, sự kiện Triều Tiên phóng vệ tinh hồi tháng 4 (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cáo buộc đây là màn ngụy trang cho việc thử tên lửa đạn đạo) càng làm tăng các dấu hiệu bất ổn trong vùng biển Hoàng Hải và bán đảo Triều Tiên. Mỹ kỳ vọng việc Hàn Quốc tham gia RIMPAC 2012 sẽ giúp giảm bớt các mối quan ngại liên quan đến hòa bình và ổn định trong khu vực này. |
Phương Đăng
Theo Infonet.vn