Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ tăng nhập khẩu xoài Việt Nam

Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam cung cấp cho thị trường Mỹ 1.350 tấn xoài các loại, tăng 87,4% so với cùng kỳ 2019. Giá nhập khẩu trung bình 2.065 USD/tấn, tăng 6,7%.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhập khẩu quả xoài các loại của Mỹ trong 8 tháng đầu năm đạt 497.300 tấn, trị giá 567 triệu USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân xoài các loại đạt 1.140 USD/tấn, tăng 0,2%.

Việt Nam là thị trường cung cấp quả xoài lớn thứ 12 cho Mỹ trong 8 tháng đầu năm, đạt 1.350 tấn, trị giá 2,8 triệu USD, tăng 87,4% về lượng và tăng 99,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xoài nhập khẩu từ Việt Nam trung bình ở mức 2.065 USD/tấn, tăng 6,7%.

Trong đó, nhập khẩu xoài đông lạnh đạt 811 tấn, trị giá 1,36 triệu USD, tăng 40,6% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Nhập khẩu quả xoài tươi đạt 539 tấn, trị giá 1,4 triệu USD, tăng 273,9% về lượng và tăng 249,1% về trị giá.

“Nhu cầu nhập khẩu xoài lớn tại Mỹ là cơ hội để quả xoài các loại của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này, trong đó đáng chú ý là chủng loại xoài tươi”, Bộ Công Thương nhận định.

My tang nhap khau xoai Viet Nam anh 1

Mỹ nhập khẩu quả xoài các loại của Việt Nam với giá trung bình 2.065 USD/tấn. Ảnh: iStock.

Theo đó, để chủng loại quả xoài các loại tăng thị phần tại Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cấp mã số để quản lý, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 9, hầu hết mặt hàng rau quả xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, trừ sản phẩm rau quả chế biến. Tính chung 9 tháng, trị giá xuất khẩu mặt hàng quả giảm mạnh nhất, tiếp theo là mặt hàng rau củ.

Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng quả tháng 9 đạt 157,2 triệu USD, giảm 19,1% so với tháng 9/2019. Thanh long là chủng loại quả xuất khẩu chủ yếu, đạt 89,9 triệu USD, giảm 18%. Trong đó, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chiếm tới 92,1% tổng trị giá xuất khẩu quả thanh long, đạt 82,8 triệu USD. Tiếp theo là sầu riêng đạt 17,4 triệu USD, chuối đạt 8,8 triệu USD.

Sản phẩm chế biến trong cơ cấu hàng rau quả là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2. Trong tháng 9, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 59,9 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2019. Sản phẩm chế biến xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan.

“Diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp, nhiều thị trường đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế do dịch bùng phát trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chế biến tăng. Dự báo xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2020 tăng từ 14% đến 17% so với năm 2019”, Bộ Công Thương nhìn nhận.

Miền Trung mất 50.000 con lợn, giá thịt có tăng?

Khoảng 50.000 con lợn tại 4 tỉnh miền Trung bị thất thoát do mưa lũ. Giá lợn hơi khu vực này hiện dao động 71.000-72.000 đồng/kg.

Tuấn Hùng

Bạn có thể quan tâm