Chương trình visa H-1B cho phép lao động có tay nghề cao đến Mỹ làm việc. Kế hoạch đặt hạn mức cấp loại visa này cho lao động Ấn Độ được đưa ra chỉ vài ngày trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến thủ đô New Delhi.
Ấn Độ là nước nhận visa lao động H-1B nhiều nhất. Phần lớn người xin cấp visa này đến từ những công ty công nghệ lớn của quốc gia Nam Á.
Đáp trả quy định lưu trữ dữ liệu
Dẫn ba nguồn thạo tin trong vấn đề visa H-1B, Reuters cho biết động thái của Washington nhằm đáp trả các quy định cứng rắn về lưu trữ dữ liệu mà Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) bắt đầu áp dụng từ năm 2018. RBI muốn các công ty thanh toán nước ngoài lưu trữ dữ liệu ở Ấn Độ để đảm bảo khả năng giám sát không bị cản trở.
Ấn Độ là nước nhận phần lớn visa H-1B dành cho lao động tay nghề cao đến làm việc tại Mỹ. Ảnh: Getty. |
Cơ quan này hồi đầu tuần đã hứa xem xét lại quy định nói trên sau khi nhiều công ty và quan chức Mỹ bày tỏ quan ngại, theo India Times.
Theo tiết lộ ngày 19/6 của hai quan chức cấp cao Ấn Độ, họ nhận được báo cáo về kế hoạch siết visa H-1B từ tuần trước. Số visa lao động được cấp cho Ấn Độ chỉ còn từ 10-15% tổng hạn mức hàng năm của Mỹ.
Kế hoạch này có thể tác động nhiều nhất đến các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Ấn Độ. Nhiều công ty sử dụng visa H-1B để đưa kỹ sư và nhà phát triển công nghệ đến làm việc cho các đối tác tại thị trường lớn nhất là Mỹ.
Theo tiết lộ của một quan chức Ấn Độ, Bộ Ngoại giao nước này đang gấp rút đánh giá mức độ ảnh hưởng nếu lời đe dọa trở thành hiện thực. Trong khi đó, các cơ quan ngoại giao và thương mại của Mỹ vẫn chưa có bình luận chính thức về thông tin siết visa H-1B.
Mỹ cấp gần 85.000 visa lao động H-1B mỗi năm và không có chính sách hạn chế đặc biệt theo quốc gia. Gần 70% số visa này được cấp tại Ấn Độ.
Không chỉ nhắm đến Ấn Độ
Một nguồn thạo tin khác tại Washington, làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tiết lộ mình cũng nhận được tin về các đàm phán giữa Mỹ và Ấn Độ. Người này nói kế hoạch siết hạn mức visa H-1B có chủ đích nhắm đến các quy định lưu trữ dữ liệu nhưng không chỉ nhắm đến Ấn Độ.
"Đề xuất được trình lên là giới hạn (visa H-1B) còn 15% tổng hạn mức mỗi năm với mọi nước thực hiện địa phương hóa dữ liệu. Kế hoạch vẫn đang được thảo luận trong nội bộ chính phủ Mỹ", người này cho biết.
Cảnh báo siết visa H-1B xuất hiện chỉ vài ngày trước thềm chuyến thăm của ông Pompeo đến Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
Cả hai quan chức Ấn Độ cũng xác nhận kế hoạch có liên quan đến xu hướng "địa phương hóa dữ liệu" đang xuất hiện trên thế giới. Nhiều nước đã có quy định buộc dữ liệu được lưu trữ trong lãnh thổ nhằm tăng khả năng kiểm soát và giảm quyền lực của các tập đoàn quốc tế.
Trong khi đó, nhiều người lo ngại việc hạn chế dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới sẽ làm tổn hại đến sáng tạo và gia tăng chi phí đối với các công ty.
Tại một sự kiện của Hội đồng Doanh ngiệp Mỹ - Ấn vào tuần qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo một lần nữa nhấn mạnh Washington sẽ thúc đẩy tự do hóa dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới. Điều này không chỉ để giúp các công ty Mỹ mà còn bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.