Dự kiến quy định mới này sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2016 và được thực hiện theo từng giai đoạn trong hơn 18 tháng nhằm giúp các nhà cung cấp nước ngoài có thời gian chuẩn bị những thay đổi cần thiết trước khi đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của USDA.
Được biết trước đó, nhiều nông dân nuôi cá tra tại Mỹ (chủ yếu thuộc khu vực Mississippi và Alabama) gặp nhiều khó khăn trước sự tăng trưởng nhanh chóng của cá tra nhập khẩu từ Việt Nam.
Các nhà sản xuất tại Mỹ cũng cáo buộc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) nước này đã thất bại trong việc tạm ngừng nhập khẩu cá tra có chứa kháng sinh và các hóa chất bị cấm khác.
Reuters dẫn lời Thượng nghị sĩ của Mississippi Thad Cochran: "Mục đích của việc ban hành quy định mới này nhằm đảm bảo chất lượng và độ an toàn thực phẩm của cá tra trước khi cung cấp cho các gia đình ở Mỹ. Và USDA là cơ quan có khả năng triển khai quy định này một cách tốt nhất".
Cũng theo Reuters, các công ty sản xuất cá tra và các nhà đàm phán thương mại phía Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại rằng hoạt động nhập khẩu cá tra sẽ bị cấm cho tới khi các nhà sản xuất có thể đáp ứng những yêu cầu mới của USDA, gây trở ngại lớn cho lĩnh vực xuất khẩu quan trọng.
Cụ thể, trong suốt thời gian chờ đợi 18 tháng, những nhà cung cấp nước ngoài có nhu cầu xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ được Cục Kiểm dịch và an toàn thực phẩm của USDA tiến hành lấy dư lượng mẫu và kiểm tra ít nhất ba tháng một lần.
Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ đã lên tiếng phản đối chương trình kiểm định này, cho đây là sự lãng phí đồng thời tạo ra rào cản thương mại chỉ để bảo vệ một ngành công nghiệp nhỏ chủ yếu ngụ ở Mississippi.
"Ước tính chương trình bảo hộ này sẽ tiêu tốn khoảng 15 triệu USD mỗi năm để chi cho các quan chức chính phủ thực hiện việc xử phạt các nhà nhập khẩu nước ngoài, chưa kể chúng còn tác động đến việc tăng giá cá tra đối với người dân, các nhà hàng và các nhà chế biến thủy sản ở Mỹ", Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa John McCain cho biết trong một tuyên bố.