Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mỹ sẽ xóa sổ tên lửa đạn đạo liên lục địa?

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ đứng trước nguy cơ bị loại bỏ, bởi sự hoài nghi về hiệu quả khi so sánh với tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.

vu khi hat nhan cua My anh 1

Thời điểm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III đang trong giai đoạn phát triển, ông Lyndon B. Johnson đang là tổng thống của nước Mỹ.

Khi Minuteman III được đưa vào biên chế năm 1970, nó được đánh giá là loại vũ khí có sức mạnh đột phá. Minuteman III có thể tách thành ba đầu đạn hạt nhân riêng, mỗi đầu đạn có sức công phá lớn hơn 10 lần so với quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.

Hơn nửa thế kỷ sau, Minuteman III giờ là loại ICBM cuối cùng còn được quân đội Mỹ sử dụng. Hiện khoảng 400 tên lửa Minuteman sẽ tấn công hạt nhân theo lệnh của tổng thống Mỹ, theo Economist.

vu khi hat nhan cua My anh 2

Tên lửa Minuteman III trong một cuộc phóng thử. Ảnh: USAF..

Tương lai mờ mịt

Mỹ hiện có 1.475 đầu đạn hạt nhân, thấp hơn giới hạn 1.550 đầu đạn theo quy định của Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START ký với Nga.

Minuteman III là một trong bộ ba răn đe hạt nhân của Mỹ, bên cạnh máy bay ném bom hạt nhân chiến lược và tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân. Cả ba công cụ này của Mỹ hiện nay đều bị các chuyên gia đánh giá là đã xuống cấp, theo Economist.

B-52 là máy bay ném bom hạt nhân lâu đời nhất của Mỹ và đã đến lúc có thể cho nghỉ hưu. Máy bay ném bom tàng hình B-2 - thế hệ mới nhất trong biên chế - cũng là loại được thiết kế từ thập niên 1970. B-2 sẽ đến tuổi nghỉ hưu chỉ trong một vài thập kỷ tới.

Trong khi đó, phần lớn tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân lớp Ohio đã bị cho nghỉ hưu. Những chiếc còn lại, hiện được cải tạo để phục vụ nhiệm vụ khác, cũng chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày ra đời vào tháng 11 này.

Thay thế các vũ khí này đang là một nhiệm vụ cấp bách với Washington.

Quân đội Mỹ đang có kế hoạch bay thử nghiệm máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider vào năm 2022. Trong khi đó, dự án tàu ngầm hạt nhân đời mới lớp Columbia cũng sẽ bắt đầu được triển khai trong 10 năm tới.

Chỉ có tương lai của tên lửa ICBM thế hệ kế cận là vẫn chưa rõ ràng.

Về lý thuyết, ICBM kế nhiệm Minuteman III đang trong giai đoạn phát triển. Tháng 9/2020, không quân Mỹ trao dự án phát triển ICBM mới có tên “Vũ khí răn đe chiến lược phóng từ mặt đất” (GBSD) cho tập đoàn vũ khí Northrop Grumman. Dự án có trị giá 13,3 tỷ USD.

ICBM mới dự kiến sẽ thay thế Minuteman III vào năm 2029, và sẽ được sử dụng cho tới năm 2075. GBSD sẽ “chính xác hơn, bắn xa hơn, và đáng tin cậy hơn” so với người tiền nhiệm, theo lời tướng Tim Ray, tư lệnh Bộ chỉ huy tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ.

Dẫu vậy, ý tưởng về phát triển ICBM phóng từ mặt đất thế hệ mới không nhận được sự đồng tình của chính giới cũng như chuyên gia.

Tháng 1/2019, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ tính toán chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Tổng thống Donald Trup sẽ tiêu tốn 494 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2028, trong đó phát triển ICBM mới tốn 61 tỷ USD.

Những ý kiến hoài nghi đặt câu hỏi tại sao cần lãng phí tiền cho hệ thống ICBM phóng từ mặt đất, trong khi tàu ngầm và máy bay ném bom có thể đảm đương nhiệm vụ răn đe hạt nhân, thậm chí còn hiệu quả hơn.

Tranh cãi về hiệu quả của ICBM

Những người ủng hộ ICBM vẫn tin vào sự vượt trội của loại vũ khí này, khi so sánh với các phương tiện răn đe khác.

Thứ nhất, ICBM được miêu tả là vũ khí phản ứng nhanh nhất trong 3 phương tiện răn đe hạt nhân của Mỹ. Máy bay ném bom, dù tối tân đến đâu, cũng sẽ không thể luôn luôn hiện diện trên bầu trời, và cần nhiều thời gian để tiếp cận mục tiêu.

Tàu ngầm hạt nhân có lợi thế dễ dàng lẩn tránh và đến gần mục tiêu, nhưng khả năng liên lạc với mặt đất kém hiệu quả hơn.

Ngược lại, các ICBM luôn được bảo vệ an toàn, và có thể khai hỏa nhắm tới các mục tiêu chỉ trong vài phút, nhằm phá hủy mọi tên lửa của kẻ thù chuẩn bị được khai hỏa, hoặc đã ở trên không trung.

Đương nhiên, trong thời bình, mục tiêu mặc định các ICBM hướng tới là đại dương chứ không phải các thành phố của kẻ thù.

vu khi hat nhan cua My anh 3

Hình ảnh bên trong một ống phóng ICBM của Mỹ. Ảnh: AFP.

"Nếu không có các ICBM, kẻ thù chỉ cần tấn công 5 mục tiêu (3 máy bay ném bom và 2 tàu ngầm) là sẽ xóa sổ lực lượng hạt nhân của Mỹ", Viện Hudson, một cơ quan nghiên cứu chính sách, đánh giá.

Chương trình hiện đại hóa của lực lượng hạt nhân Nga, hay việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân, càng làm quan ngại nói trên thêm nhức nhối.

Thứ hai, ICBM là công cụ giúp Mỹ đối phó với những tiến bộ công nghệ trong phát hiện tàu ngầm hay phòng không từ phía đối thủ - điều có thể đe dọa tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom của Mỹ.

Chiến lược phòng thủ "bọt biển"

Và lý do cuối cùng đến từ lý thuyết khó có thể xảy ra về chiến lược hạt nhân.

Nếu Moscow muốn khiến lực lượng hạt nhân của Washington tê liệt bằng một cuộc tấn công bất ngờ, Nga sẽ phải sử dụng một số lượng đáng kể đầu đạn hạt nhân để vô hiệu hóa từng hầm phóng ICBM kiên cố trên lãnh thổ Mỹ.

Các hầm phóng ICBM khi đó giống như "bọt biển" thu hút hỏa lực từ tên lửa Nga, qua đó giúp Mỹ chiếm lợi thế với số vũ khí hạt nhân còn lại, được trang bị trên máy bay ném bom và tàu ngầm vượt trội.

Thực tế, việc Mỹ chỉ bố trí ICBM trong các hầm phóng cố định, thay vì trên các bệ phóng cơ động được nhiều nước sử dụng, củng cố thêm lý luận về chiến lược "bọt biển".

Những người chỉ trích coi ba lập luận ủng hộ ICBM nói trên chỉ là điều "viển vông" và "suy đoán". Chiến lược phòng thủ bọt biển chỉ hiệu quả nếu đối thủ của Mỹ khai hỏa trước.

Họ cho rằng ngay cả nếu không có các hầm phóng tên lửa, Mỹ vẫn có đủ tàu ngầm và máy bay ném bom để xóa bỏ sự tồn tại của mọi đối thủ.

vu khi hat nhan cua My anh 4

ICBM Sarmat 2 của Nga. Ảnh: AFP.

Pranay Vaddi, chuyên gia từ tổ chức nghiên cứu chính sách Carnegie Endowment, chỉ ra sự mâu thuẫn giữa logic phòng thủ, với việc sử dụng tên lửa nằm im làm miếng mồi thu hút hỏa lực của Nga, so với yêu cầu của Không quân Mỹ muốn tên lửa GBSD được cải thiện khả năng tấn công. Điều này khiến các ICBM phù hợp hơn với kịch bản Mỹ là bên khai hỏa trước.

Năm 2020, Quốc hội Mỹ nhất trí chi tiền hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân, bao gồm tên lửa GBSD, bất chấp vẫn còn những tiếng nói do dự từ phía đảng Dân chủ.

Trong phiên điều trần xác nhận bổ nhiệm hồi tháng 1, dưới sức ép của các thượng nghị sĩ đến từ những tiểu bang mà phần lớn ICBM được triển khai, đề cử bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố ủng hộ bộ ba vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Austin nói Tổng thống Biden mới là người ra quyết định cuối cùng về số phận của chương trình ICBM thế hệ mới. Còn ông Austin cũng được Thượng viện đồng thuận phê chuẩn với số phiếu cao để trở thành bộ trưởng Quốc phòng tiếp theo.

Bộ ba gồm tên lửa ICBM, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom hạt nhân nằm ở trung tâm chính sách hạt nhân của Mỹ. Giới chuyên gia nhận định Tổng thống Biden sẽ không lập tức loại bỏ hoàn toàn bất cứ vũ khí nào trong bộ ba này.

Ông Vaddi nhận định Tổng thống Biden có thể sẽ đề nghị tạm dừng chương trình phát triển GBSD, đồng thời từ từ loại bỏ các tên lửa Minuteman III bằng cách cắt giảm số lượng hệ thống vũ khí đã được triển khai.

Cách làm này sẽ cho Washington thêm thời gian để đàm phán cắt giảm số ICBM và đầu đạn hạt nhân với Nga, trong bối cảnh Moscow chuẩn bị triển khai ICBM thế hệ mới Sarmat từ năm 2022.

Một cựu quan chức Mỹ cho rằng chính quyền Biden có thể kéo dài thời gian của chương trình phát triển GBSD, và cuối cùng khiến dự án này tự sụp đổ khi chi phí vượt ngưỡng chịu đựng của Quốc hội Mỹ.

Kịch bản này giống như những gì từng xảy ra với dự án ICBM có tên "MX Peacekeeper" vào thập niên 1980.

Ông Biden có lựa chọn "không bắn trước"?

Bất kể Tổng thống Biden hành động theo hướng nào, quan điểm của công chúng Mỹ về vũ khí hạt nhân nhìn chung đã thay đổi.

Trong cuộc bầu cử năm 2020, đảng Dân chủ chỉ trích việc Mỹ "quá phụ thuộc và chi tiêu quá nhiều cho vũ khí hạt nhân", trong đó có dự án phát triển vũ khí mới bị miêu tả là "hoang phí".

Mục tiêu công kích không chỉ là các ICBM mà còn cả các chương trình phát triển vũ khí khác, gồm đầu đạn công suất thấp W76-2 trang bị cho tên lửa phóng từ tàu ngầm, cải tiến loại bom B61-12 công suất thấp thả từ cường kích, hay tên lửa hành trình phóng từ trên không.

Phe cánh tả và các tổ chức phi chính phủ chống hạt nhân không phải là những người duy nhất đặt câu hỏi với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Hôm 5/2, bà Michele Flournoy, cựu thứ trưởng Quốc phòng dưới thời Obama, nhấn mạnh nước Mỹ cần quan tâm tới "các công nghệ phi hạt nhân mới nổi" để củng cố năng lực răn đe, như tên lửa thông thường và tấn công mạng. Bà Flournoy đã được Bộ trưởng Austin hứa hẹn một vị trí tại Lầu Năm Góc.

vu khi hat nhan cua My anh 5

Tên lửa Minuteman III phóng từ căn cứ Vandenberg ở California hôm 5/2. Ảnh: USAF.

"Theo nghĩa đen, mọi khía cạnh của chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, cùng chi phí đắt đỏ của nó, sẽ được rà soát cẩn thận, kỹ lưỡng", bà Flournoy nói.

Bên cạnh cuộc tranh luận về số lượng và chủng loại vũ khí hạt nhân, một vấn đề khác gây tranh cãi là Mỹ nên sử dụng năng lực hạt nhân như thế nào; và Washington có nên tuyên bố "mục đích duy nhất" của vũ khí hạt nhân là răn đe các cuộc tấn công tương tự từ kẻ thù hay không.

Tuyên bố như vậy dường như vô hại, nhưng tùy vào cách thức sử dụng câu chữ mà có thể khiến Washington bị trói tay, nếu Mỹ hay các nước đồng minh bị tấn công bằng những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt phi hạt nhân như hóa học hay sinh học.

Một vấn đề khác thậm chí còn được quan tâm hơn, là liệu Tổng thống Biden có thực thi chính sách "Không bắn trước" hay không (tức Mỹ sẽ không là bên khai hỏa trước trong chiến tranh hạt nhân). Trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, ông Biden từng công khai ủng hộ chính sách này.

Cả hai chính sách nêu trên đều sẽ khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á nằm dưới ô bảo hộ hạt nhân của Washington mất ăn mất ngủ.

Tổng thống Putin gia hạn hiệp ước hạt nhân Nga - Mỹ vào giờ chót

Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ một tuần trước khi hiệp ước này hết hiệu lực.

Ông Biden muốn gia hạn hiệp ước vũ khí hạt nhân với Nga thêm 5 năm

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đề xuất với Nga gia hạn thêm 5 năm hiệp ước vũ khí hạt nhân ký năm 2010 giữa hai quốc gia, vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 2.

Washington lo ngại ông Trump phóng vũ khí hạt nhân vào tuần cuối cùng

Tổng thống Mỹ có quyền điều quân đội đàn áp bất ổn dân sự và phóng vũ khí hạt nhân. Sau cuộc bạo động ngày 6/1, nhiều người lo ngại ông Trump sẽ có hành động gây nguy hiểm cho Mỹ.

‘Qua bom hen gio’ o chau Au hinh anh

‘Quả bom hẹn giờ’ ở châu Âu

0

Đại dịch Covid-19 đã phơi bày nhiều điểm yếu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, các nước không còn nhiều thời gian để khắc phục những lỗ hổng này.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm