Vụ kiện sẽ được nộp lên tòa án liên bang. Ảnh: Unsplash. |
Ngày 21/3, Bộ Tư pháp Mỹ nộp đơn kiện Apple, cáo buộc tập đoàn công nghệ vi phạm luật chống độc quyền khi ngăn chặn đối thủ truy cập các tính năng phần cứng và phần mềm có trên iPhone.
Dự kiến đơn kiện sẽ được đệ trình lên tòa án liên bang. Đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông Biden đang ngày càng siết chặt luật chống độc quyền đối với các gã khổng lồ công nghệ, Bloomberg nhận định.
Cổ phiếu Apple đã giảm 1,4% xuống còn 176,10 USD sau khi tin tức Bộ Tư pháp khởi kiện được công bố. Vụ kiện sắp tới cũng đánh dấu lần thứ 3 Bộ Tư pháp khởi kiện Apple vì vi phạm luật chống độc quyền trong suốt 14 năm qua. Nhưng đây là lần đầu tiên cơ quan này cáo buộc nhà sản xuất iPhone duy trì vị thế thống trị của mình một cách bất hợp pháp.
Hiện vẫn chưa rõ trọng tâm của cáo buộc là gì. Theo Reuters, nhiều nhà sản xuất thiết bị phần cứng, trong đó có hãng phân phối thiết bị theo dõi định vị Tile, liên tục phàn nàn rằng Apple đã hạn chế cách họ liên kết với các cảm biến của iPhone, đồng thời ra mắt các sản phẩm cạnh tranh, có khả năng tiếp cận tốt hơn.
Apple bắt đầu bán AirTags - có thể gắn vào các vật dụng như chìa khóa ô tô để giúp người dùng tìm thấy chúng khi bị thất lạc - vài năm sau khi Tile bán dòng thiết bị theo dõi tương tự.
Tương tự, Apple đã hạn chế quyền truy cập vào vi xử lý iPhone cho phép giao dịch thanh toán không tiếp xúc. Do đó, cách duy nhất để thêm thẻ tín dụng vào iPhone là sử dụng dịch vụ Apple Pay của chính Apple.
Phản hồi lại các chỉ trích, Apple lập luận rằng hãng hạn chế quyền truy cập của nhà phát triển bên thứ 3 vào một số dữ liệu người dùng và phần cứng của iPhone vì quyền riêng tư và bảo mật.
Nhà sản xuất iPhone đã nhiều lần bị kiện vì triệt tiêu cạnh tranh của các đối thủ bằng cách hạn chế tính năng trên iPhone. Ảnh: Bloomberg. |
Táo khuyết cũng phải đối mặt với hàng loạt lời chỉ trích về dịch vụ iMessage, vốn chỉ hoạt động trên các thiết bị của Apple. Các chuyên gia phàn nàn rằng công ty gây bất lợi cho các tin nhắn gửi và nhận từ điện thoại Android bằng cách giảm chất lượng hình ảnh và video.
Năm ngoái, Apple đã thay đổi hướng đi, cho biết sẽ hỗ trợ công nghệ nhắn tin mới RCS - công nghệ được Google quảng cáo là giúp nhắn tin mượt mà hơn giữa các dòng thiết bị khác nhau.
Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi kiện Google cáo buộc công ty lạm dụng sự thống trị của mình đối với hoạt động kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số. Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) khơi mào cuộc chiến pháp lý với Meta và Amazon liên quan đến luật chống độc quyền.
Theo Bloomberg, vụ kiện diễn ra trong bối cảnh Apple đang bị giám sát ngày càng nghiêm ngặt ở châu Âu vì cáo buộc có hành vi hạn chế cạnh tranh. Tập đoàn công nghệ Mỹ phải chịu mức phạt 1,8 tỷ euro vào tháng này vì bóp nghẹt cạnh tranh từ các dịch vụ phát nhạc trực tuyến đối thủ. Đây là lần đầu tiên nhà sản xuất iPhone bị trừng phạt vì vi phạm luật pháp EU.
Apple nói sẽ kháng cáo quyết định này và khẳng định các cơ quan quản lý không hề có bất kỳ “bằng chứng đáng tin cậy nào liên quan đến ảnh hưởng lên người dùng”.
Cùng lúc đó, nhà sản xuất iPhone còn có thể phải đối mặt với một cuộc điều tra toàn diện theo quy định mới của EU đối với Big Tech - Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số. Đạo luật đã bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng này.
Các đối thủ chỉ trích rằng những quy tắc mới của App Store nhằm tuân thủ đạo luật buộc các nhà phát triển phải trả mức phí cao hơn cho Apple. Theo Bloomberg, mức phạt nếu không tuân thủ các quy định mới của EU rất nghiêm khắc - 10% doanh thu hàng năm toàn cầu hoặc lên tới 20% đối với những công ty vi phạm nhiều lần.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn