Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã chỉ đạo Lầu Năm Góc cắt giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đức trước khi tháng 9 kết thúc.
Một thông tri được ký bởi Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Robert O'Brien nêu rằng lực lượng Mỹ tại Đức sẽ bị cắt giảm 9.500 quân trong tổng số 34.500 hiện tại, Wall Street Journal đưa tin hôm 6/6, dẫn lời các quan chức chính phủ Mỹ. Quân số Mỹ tại Đức sẽ bị giới hạn còn 25.000 tại bất kỳ thời điểm nào. Hiện tại, lực lượng luân chuyển có thể lên đến trên 50.000 người.
"Giành lại lợi thế"
Nhà Trắng không phủ nhận thông tin này khi được Nikkei Asian Review liên hệ. "Dù chúng tôi không có thông báo nào lúc này, với tư cách là tổng tư lệnh, Tổng thống Trump liên tục đánh giá lại tư thế tốt nhất cho lực lượng quân sự Mỹ và sự hiện diện của chúng tôi ở nước ngoài", phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia John Ullyot nói.
Máy bay của Không quân Mỹ tại căn cứ không quân Ramstein, Đức. Đức là nơi có đông quân Mỹ đồn trú nhất ở châu Âu. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Tin tức này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với Washington rằng bà sẽ không tới Mỹ trong tháng 6 để tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7 theo kế hoạch do lo ngại về virus corona. Ông Trump, được cho là đã rất tức giận, sau đó tuyên bố sẽ hoãn hội nghị đến tháng 9 và lên kế hoạch mời lãnh đạo của Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ tham gia.
Thông tin cũng xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, được thúc đẩy bởi đại dịch và kế hoạch của Bắc Kinh về việc ban hành luật an ninh cho Hong Kong, cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nghị sĩ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ gần đây đã kêu gọi quân đội chi tiêu nhiều hơn ở châu Á. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPCOM), đơn vị lớn nhất trong số 6 bộ chỉ huy chiến đấu được phân theo khu vực địa lý của Mỹ, trải dài từ Bờ Tây Mỹ đến phía Tây Ấn Độ, gần đây đã đệ trình lên quốc hội yêu cầu ngân sách 20 tỷ USD trong 6 năm tới để tăng cường khả năng răn đe của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Với tiêu đề "Giành lại lợi thế", báo cáo của người đứng đầu IPCOM Phil Davidson nói rằng mối nguy hiểm lớn nhất đối với Mỹ là "sự xói mòn của khả năng răn đe thông thường" tại khu vực.
"Nếu không có biện pháp răn đe thông thường hợp lý và thuyết phục, Trung Quốc và Nga sẽ cả gan hành động tại khu vực để chiếm lĩnh các lợi ích của Mỹ", ông Davidson viết trong báo cáo.
Kết nối với nhau, các diễn biến cho thấy chính quyền Mỹ đang tìm cách sắp xếp lại hiện diện quân sự toàn cầu để điều chỉnh trước sự nổi lên của Trung Quốc.
Điều này phù hợp với một báo cáo gần đây của Nhà Trắng có tiêu đề "Cách tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", trong đó nêu rõ mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc trong tương lai sẽ là một loại "cạnh tranh nước lớn".
Nhắm đến 2 chuỗi đảo chiến lược
Đề nghị trị giá 20 tỷ USD của ông Davidson cho châu Á bao gồm khả năng tấn công chính xác tầm xa nhắm đến "Chuỗi đảo thứ nhất", một loạt đảo trải dài từ Nga ở phía bắc đến bán đảo Malay ở phía nam mà Trung Quốc coi là một khu vực phải bảo đảm và ngăn chặn quân đội Mỹ xâm nhập.
IPCOM cũng muốn có một hệ thống phòng thủ tên lửa không quân tích hợp trong "Chuỗi đảo thứ hai", một dải đảo xa hơn ở Thái Bình Dương.
Một tàu chiến của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan hôm 4/6, động thái mà Bắc Kinh gọi là hành động khiêu khích. Hai bên cũng đã đối đầu ở Biển Đông, nơi mà yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ vùng biển đã gây căng thẳng lâu nay.
Tàu khu trục USS Russell đi qua eo biển Đài Loan hôm 4/6. Tàu này được triển khai đến Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ để hỗ trợ an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Song việc cắt giảm lực lượng tại Đức có nguy cơ làm suy yếu khả năng răn đe của NATO đối với Nga, và khiến chính quyền Trump bất hòa với những người theo đường lối tân bảo thủ trong đảng Cộng hòa của ông, vốn có truyền thống coi Moscow là mối đe dọa.
Đức là nơi có đông quân Mỹ đồn trú nhất ở châu Âu và cũng đóng vai trò là trụ sở của AFRICOM, nơi giám sát mọi hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Phi.
Theo một thỏa thuận chia sẻ hạt nhân, quân đội Mỹ giữ bom hạt nhân trong một căn hầm tại một căn cứ không quân của Đức. Trong trường hợp tấn công hạt nhân, lính Mỹ sẽ gắn bom vào máy bay Đức và kích hoạt mã lệnh, trong khi một đội bay của Đức sẽ lái máy bay và thả bom.