Từ việc thu nhỏ lỗ chân lông, loại bỏ nếp nhăn đến dưỡng ẩm, làm căng mọng da và tẩy tế bào chết, đó là hy vọng của phái đẹp về các sản phẩm chăm sóc da. Bên cạnh đó, họ còn muốn sản phẩm làm đẹp có các thành phần sạch, không gây hại cho sức khỏe.
Làm đẹp sạch là gì?
Phong trào làm đẹp sạch đã phát triển theo cấp số nhân trong những năm gần đây và thậm chí tiếp tục cho thấy sự phát triển của thị trường khi ngành công nghiệp làm đẹp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tiêu chuẩn làm đẹp sạch cho da, tóc và trang điểm xuất hiện với các từ vựng như "hữu cơ", "không độc hại", "thuần chay". Các sản phẩm đó tạo ra ảo tưởng rằng các dịch vụ không có thành phần từ thiên nhiên là không tốt cho bạn.
Mặc dù nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng đối với các sản phẩm làm đẹp sạch, các quy định về mỹ phẩm của FDA vẫn không thay đổi kể từ lần đầu tiên được áp dụng vào năm 1938.
Ý thức được tầm quan trọng của môi trường, con người đang đổi sang các sản phẩm hữu cơ, thuần chay. Ảnh: Choice. |
Hiện tại, có 11 thành phần bị FDA cấm, trong khi EU đã cấm hơn 1.000. Về mặt kỹ thuật, các thương hiệu cũng không bắt buộc phải có sự chấp thuận của FDA trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Vậy có thể mỹ phẩm của bạn được đóng gói với các thành phần có hại và chất gây rối loạn nội tiết hoặc rối loạn tâm trạng, ảnh hưởng đến tiêu hóa, chu kỳ sinh sản, trao đổi chất trong cơ thể.
Mặc dù bất kỳ thương hiệu nào cũng có thể tự dán nhãn là "sạch", xem kỹ nhãn là một cách để bảo vệ bản thân khỏi các sản phẩm gây hại.
Các thành phần cần tránh
Parabens gây rối loạn nội tiết trong cơ thể. Chất bảo quản này nếu sử dụng thường xuyên ảnh hưởng đến việc dậy thì sớm, các vấn đề về tuyến giáp và thậm chí là ung thư.
Theo L'Officiel, hầu hết mỹ phẩm chỉ sử dụng lượng rất nhỏ paraben trong công thức của chúng, thành phần này rất dễ hấp thụ và nếu tiếp xúc thường xuyên theo thời gian, có thể gây hại lâu dài.
Paraben có thể gây kích ứng cho những người da nhạy cảm, dễ bị dị ứng. Ảnh: Greatist. |
Hương thơm là cái tên mơ hồ nhất trong danh sách thành phần. Nó có thể ám chỉ hàng nghìn hóa chất tổng hợp hoặc tự nhiên, có hại hơn những chất khác. Hương thơm có thể gây dị ứng hoặc kích ứng, khiến làn da của bạn trở nên nhạy cảm hơn.
Phthalates giúp hương thơm bền lâu, cũng là chất gây rối loạn nội tiết đáng kể. Được biết đến là nguyên nhân gây ra dị tật bẩm sinh, các vấn đề về hệ sinh sản và nội tiết tố, phthalate thường đi đôi với hương thơm trong danh sách thành phần.
Chất khử formaldehyde và formaldehyde: Formaldehyde - chất gây ung thư, bốc hơi mùi rất khó chịu, làm cay mắt và kích ứng đường hô hấp gây ho. Trong khi một số nhà bán lẻ bắt đầu cấm thành phần này, nó vẫn được tìm thấy trong nhiều loại sơn móng tay, keo dán mi, thuốc duỗi thẳng tóc.
Điều đáng sợ về formaldehyde là bạn sẽ không tìm thấy nó trong danh sách thành phần. Thay vào đó, những gì bạn thấy là chất khử formaldehyde - chất bảo quản giải phóng hóa chất từ từ.
Oxybenzone và octinoxate là thành phần phổ biến trong kem chống nắng hóa học. Oxybenzone và octinoxate có hại cho làn da của bạn và môi trường. Liên quan đến việc tẩy trắng san hô, những hóa chất này giúp kem chống nắng dễ thoa hơn do cảm giác nhẹ và dễ hấp thụ, nhưng chúng cũng là chất gây rối loạn nội tiết có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh.
Oxybenzone được tìm thấy trong hơn 3.500 sản phẩm chăm sóc da giúp bảo vệ chống lại các tia có hại của mặt trời. Ảnh: RD. |
Triclosan: Trong năm qua, chúng ta đều ám ảnh về việc sử dụng nước rửa tay. Những sản phẩm này có thể chứa triclosan - hóa chất kháng khuẩn được biết là gây rối loạn hệ thống nội tiết và gây ra vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Nó bị cấm ở một số quốc gia và Mỹ đã chuyển sang cấm nó trong nước rửa tay vì không hiệu quả hơn đáng kể so với việc chỉ sử dụng xà phòng và nước.
Talc là thành phần phổ biến trong mỹ phẩm dạng bột như phấn má hồng, phấn phủ và phấn mắt, vốn dĩ không có hại.
Tuy nhiên, bột talc không được tinh lọc có thể bị nhiễm amiăng, một chất gây ung thư. Rất khó để biết bột talc trong mỹ phẩm tinh khiết đến mức nào, vì vậy một số thương hiệu đang chọn sử dụng mica, bột ngô và silica để thay thế.
Dầu khoáng là thành phần phổ biến được tìm thấy trong tất cả mỹ phẩm. Dầu khoáng không chỉ làm tắc nghẽn lỗ chân lông mà còn có những lo ngại rằng nó có các tạp chất gây ung thư, chưa kể đến tác động môi trường mà ngành công nghiệp dầu khí gây ra trên hành tinh.
Thành phần dầu khoáng nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra tắc nghẽn lỗ chân lông. Ảnh: Byrdie. |
Làm đẹp sạch giống với bền vững?
Dưới lớp vỏ của vẻ đẹp sạch, có rất nhiều mô tả như hữu cơ, hoàn toàn tự nhiên, không độc hại, thuần chay, bền vững được dán nhãn trên bao bì sản phẩm mà không có bất kỳ quy định nào.
FDA không kiểm soát cách các công ty mỹ phẩm tiếp thị sản phẩm của họ, bản thân các thuật ngữ này đã trở nên chủ quan và ý nghĩa chính xác khác nhau tùy theo thương hiệu.
Những từ thông dụng này có thể tạo ấn tượng rằng các nhãn hiệu chăm sóc da và trang điểm tự dán nhãn là "sạch" sẽ an toàn hơn các thương hiệu khác, nhưng điều đó không chính xác.
Dưỡng da thành phần từ thiên nhiên giúp bảo vệ sức khỏe và hạn chế gây hại cho môi trường. Ảnh: L'Officiel. |
Mặc dù hầu hết thương hiệu đều có ý định tốt nhất khi theo đuổi con đường sạch, điều quan trọng là giải mã sự thật từ hoạt động tiếp thị.
Thực hành bền vững và tìm nguồn cung ứng đã trở thành yếu tố quan trọng trong những gì người tiêu dùng tìm kiếm về thời trang và làm đẹp. Yếu tố bền vững phụ thuộc vào nguồn gốc của các thành phần, quy trình sản xuất và đôi khi là loại bao bì được sử dụng.
Sản xuất có trách nhiệm với môi trường có nghĩa là các thành phần làm đẹp phổ biến như dầu cọ không được khai thác quá mức, gây mất rừng hoặc phá vỡ môi trường tự nhiên.
Vẻ đẹp bền vững là các sản phẩm an toàn với môi trường, chẳng hạn như kem chống nắng an toàn cho rạn san hô, bảo vệ chúng và các sinh vật biển khác khỏi ô nhiễm hóa học từ thành phần có trong sản phẩm.
Hậu đại dịch, con người tìm đến các sản phẩm chăm sóc da và sức khỏe sạch. Ảnh: Glamour. |