Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ phẩm chế theo cảm tính, sai chính tả trên nhãn tràn lan

Theo thống kê trong một cuộc khảo sát của công ty Nielsen và tổ đặc quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, hiện, số mỹ phẩm trên thị trường Việt Nam có đến hơn 50% bị làm giả.

Chính vì vậy, việc Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với Công an quận Ba Đình và Đội quản lý thị trường số 3 (Chi cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra công ty TNHH Thương mại quốc tế Bách Phương (ở ngõ 678 Đê La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội) và phát hiện công ty này đang có hoạt động sản xuất mỹ phẩm cũng chỉ là một trong những thông tin cảnh báo người tiêu dùng. 

Giả từ... tem chống giả

Theo bà Đoàn Thị Dung chủ cơ sở, công ty TNHH Thương mại quốc tế Bách Phương thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2011. Đến tháng 4/2013 mới bắt đầu sản xuất mỹ phẩm. Nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm được công ty thu mua trôi nổi trên thị trường Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh). Các sản phẩm do công ty sản xuất được bán cho các trung tâm chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện, cơ sở massage, gội đầu trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Mỹ phẩm trôi nổi, tràn lan tại các chợ đa phần là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng  (Ảnh: CSGT tỉnh Nghệ An bắt giữ lô hàng mỹ phẩm lớn nhập lậu từ Lào).
Mỹ phẩm trôi nổi, tràn lan tại các chợ đa phần là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng (Ảnh: CSGT tỉnh Nghệ An bắt giữ lô hàng mỹ phẩm lớn nhập lậu từ Lào).

Nắm bắt xu hướng "sính ngoại" của khách hàng, bà Dung tự nghĩ ra tên mỹ phẩm là "ECOLLY". Để tiêu thụ các sản phẩm mỹ phẩm rởm này, bà Dung quảng cáo trên các trang mạng và diễn đàn là có nguồn gốc từ thiên nhiên, được điều chế theo công nghệ của Pháp. Một bộ mỹ phẩm này được bán với giá thị trường từ 1,5 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất còn đưa ra thị trường nhiều loại mỹ phẩm theo mẫu mã  của các hãng nổi tiếng. Chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) có bán đủ loại mỹ phẩm ngoại nhập Hàn Quốc, Thái Lan đến Việt Nam, thậm chí là loại tự pha trộn... Về nguồn hàng thì người bán nói chắc nịch “hàng công ty nhưng lấy từ nguồn khác”. Trên vỏ hộp phấn trang điểm cũng có dán tem chống giả, nhưng lại ghi sai chính tả “hàng chính hãn”.

Đại diện công ty LG Vina (nhãn hiệu Essance), khẳng định, hàng chính hãng công ty bán ra luôn có hóa đơn chứng từ. Còn hàng làm giả không có hóa đơn chứng từ, tem nhãn in nhòe nét. "công ty có sử dụng tem chống giả nhưng chỉ tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng chứ thực tế tem chống giả cũng bị làm giả”, vị này nói. Vị này cũng cho biết, hãng đã nhiều lần cảnh báo cho người tiêu dùng cách nhận biết hàng thật, giả, nhưng thực tế, không ít người vẫn mua lầm vì trên thị trường hiện nay, mỹ phẩm Essance giả có nhiều mẫu mã hơn hàng thật.

Mới đây, Công an thị xã Dĩ An, Bình Dương đã bắt vụ làm giả mỹ phẩm, gồm 350 hộp giả thương hiệu Vĩnh Tân. Bà Võ Thị Liễu, Giám đốc công ty Vĩnh Tân cho biết, thời gian đầu sản phẩm ra thị trường DN chỉ chú trọng vào chất lượng mà không chú ý đến nhãn mác, bao bì. Do đó sản phẩm nhanh chóng bị làm giả, làm nhái. Sau nhiều lần đổi mẫu mã và sử dụng tem chống giả của Bộ Công an, hàng vẫn bị làm giả. Theo bà Liễu, nếu chỉ căn cứ vào màu sắc, độ mịn, mùi vị… của kem thì người tiêu dùng không thể phát hiện được hàng giả. Dấu hiệu duy nhất trên sản phẩm hiện nay mà hàng giả, hàng nhái chưa nhái được là logo của công ty trên bề mặt bao bì sản phẩm chính hãng được in nổi, trong khi hàng giả logo in chìm.

Thậm chí, hiện nhiều lò chế mỹ phẩm giả vô tư tuyển… học viên. Để chiêu dụ học trò, các lòđều khẳng định phương pháp pha chế mỹ phẩm “bí truyền” của mình không có đối thủ, học phí từ vài triệu đến 60 triệu đồng cho hai giờ học cách sản xuất một loại kem. Lò nào cũng khẳng định học xong sẽ phất lên như “diều gặp gió”. 

Lỗi tại... người tiêu dùng?

Theo thông tin từ các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), mỗi năm vẫn tiếp nhận rất nhiều vụ khiếu nại liên quan đến mỹ phẩm dởm. Trong đó, nhiều vụ quyền lợi, sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng bị xâm hại nghiêm trọng. “Người tiêu dùng mua mỹ phẩm giả, nhái khi xảy ra điều đáng tiếc thì không thể đòi nhà sản xuất bồi thường vì hầu hết xác định mỹ phẩm giả, nhái, thông tin trên nhãn mác “tèm nhem”, mờ, thiếu thông, thông tin chung chung, không có địa chỉ rõ ràng…”, một cán bộ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phân tích. Vì thế theo ông này, người tiêu dùng cần tránh mua hàng trôi nổi và... hãy là “người tiêu dùng thông thái”.

Tuy nhiên, có một thực tế, các DN bị nhái, bị giả sản phẩm lại đang có xu hướng không muốn công khai giúp người tiêu dùng phân biệt, nhận biết đâu là sản phẩm thật, giả vì họ e ngại khách hàng sẽ không mua nữa. Chính vì vậy rất khó phối hợp để truy tìm nguồn gốc của những sản phẩm giả.

Các DN bị nhái, bị giả sản phẩm lại đang có xu hướng không muốn công khai giúp người tiêu dùng phân biệt.

Mỹ phẩm là mặt hàng được Bộ Y tế và Bộ Công Thương quản lý, trong đó Bộ Y tế quản lý về chất lượng còn Bộ Công Thương quản lý về hàng lậu, hàng rởm… Nếu những sản phẩm này bày bán công khai, tràn ngập thị trường, nghĩa là trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về hai ngành này. Thế nhưng, từ trước tới nay, như Bộ Y tế trước những sản phẩm kém chất lượng, chưa bao giờ chủ động lên tiếng hay phát hiện để thông báo đến người tiêu dùng mà thường “ăn theo” những cơ quan khác, nhất là cơ quan quốc tế.

Đối với Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, nếu Cục này ra tay liên tiếp, quyết liệt, có lẽ hàng không nhãn mác, hàng “dởm” sẽ không có đất sống tại các chợ. Cho nên, với hiệu quả công tác quản lý hiện nay, ở góc độ nào đó có khác nào đang dung túng cho mỹ phẩm giả!

 Trong khi cơ quan chức năng buông lơi thả lỏng công tác quản lý thì để giữ gìn sức khỏe và bảo đảm tính mạng, không còn cách nào khác là người tiêu dùng phải lựa chọn trên cơ sở sự nhạy bén, thông minh của mình - phải tẩy chay hàng bẩn, hàng độc; sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ...

Lỗ hổng

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Quản lý mỹ phẩm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết hằng năm cục, sở y tế các tỉnh, thành phố đều hậu kiểm - lấy mẫu kiểm tra chất lượng mỹ phẩm. Với mỹ phẩm được sản xuất quy mô, có dây chuyền đạt chuẩn, có nhân lực đảm bảo thì thường được kiểm soát ổn định về chất lượng. “Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn trong việc ngăn chặn các mỹ phẩm trôi nổi”, ông Lợi nói.

Theo các bác sĩ, lỗ hổng lớn trong quản lý mỹ phẩm hiện nay đó là ai cũng có thể tự công bố, đăng ký sản xuất mỹ phẩm được. Khi “có chuyện”, cơ quan quản lý hậu kiểm, thì mỹ phẩm chất lượng kém đã được bán ra thị trường rồi, gây hậu quả rồi.

TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho rằng thị trường mỹ phẩm hiện nay muôn hình vạn trạng với nhiều nhãn hàng lạ lẫm, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác, cẩn thận khi mua sản phẩm. Hiện nay, cơ quan chức năng chỉ nắm được những cơ sở lớn, cơ sở “có tóc”, còn những cơ sở nhỏ, lẻ, tự sản xuất, những mỹ phẩm bày bán ở chợ... thì rất khó quản lý. 

Theo ông Trạng, bất hợp lý trong kiểm soát mỹ phẩm hiện nay đó là các cá nhân tự công bố sản phẩm, rồi tự sản xuất mỹ phẩm, cơ quan quản lý không khảo sát, thẩm định trước về cơ sở, trang thiết bị, năng lực của cơ sở sản xuất đó như thế nào. Lợi dụng điều này, cá nhân, tổ chức làm ăn không đàng hoàng, có thể công bố thành phần của sản phẩm một đàng, nhưng rồi sản xuất một nẻo, không đúng với những gì đã đăng ký. Khi bị phát hiện hay xảy ra chuyện, cơ quan chức năng đi kiểm tra thì một lượng lớn mỹ phẩm kém chất lượng đã được bán ra ngoài.

Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Cục Quản lý dược đang chú trọng kiểm tra chất lượng mỹ phẩm thuộc các dòng sản phẩm chuyên biệt như: làm trắng; ngăn ngừa, giảm nám, ngăn ngừa mụn... Đây là các sản phẩm có chứa các thành phần cần kiểm soát, hạn chế về hàm lượng”. Ông Lợi cũng lưu ý, người dùng nên thận trọng khi lựa chọn mỹ phẩm, có thể cần đến bác sĩ chuyên môn tư vấn.

Bốn giải pháp xử lý

Vấn nạn hàng giả trở thành một đại dịch mang tầm quốc gia. Không chỉ các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp ra sức chống lại vấn nạn hàng giả, nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng… để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ nền kinh tế.

LSNguyễn Tiến Sơn- Đoàn Luật sư Hà Nội.
LS Nguyễn Tiến Sơn- Đoàn Luật sư Hà Nội.

 

 

 

Công cụ đầu tiên hiệu lực và hiệu quả là các quy định pháp luật, vì hiện nay các quy định pháp luật hiện hành về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có rất nhiều, nhưng vẫn còn trùng lắp, chồng chéo, khó thực hiện. Hiện Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2013 về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã triển khai và khá cụ thể nhưng chế tài vẫn chưa đủ sức răn đe.

Vấn đề thứ hai là giải pháp đầu tư, đội ngũ cán bộ thực thi được trang bị đầy đủ kiến thức về chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kèm theo đó là những trang thiết bị để phuc vụ công tác này.

Giải pháp kế tiếp chính là công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp Luật cho các đối tượng có liên quan:

Đầu tiên đó chính là DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phải có nhận thức đầy đủ về việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình. Luôn luôn quan tâm đến công tác chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm do mình sản xuất ra.

Đối tượng thứ hai vô cùng quan trọng đó chính là người tiêu dùng, cần nhận thức rõ khi lựa chọn mua hàn chính hãng chính là cách thiết thực bảo vệ quyền lợi của chính mình và góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Giải pháp cuối cùng chính là sự tăng cường, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định Pháp luật đối với những cá nhân và tổ chức vì nguồn lợi bất chính, bất chấp thủ đoạn sản xuất, mua bán các loại hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những DN chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng vừa là đối tượng được bảo vệ, vừa là chủ thể tiêu dùng, nên thái độ, hành vi của người tiêu dùng đóng vai trò quyết định trong việc chống hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Mỹ phẩm giả, làm bằng bột mì giá rẻ bất thường ở Sài Gòn

Thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các loại mỹ phẩm do Việt Nam sản xuất bị làm giả. Không khó để phát hiện nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn “dính bẫy” vì giá cả khá mềm.

http://dddn.com.vn/phap-luat/dung-tung-my-pham-gia-20141031025528751.htm

Theo Nhóm PV/ Diễn Đàn Doanh Nghiệp

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm