Tàu chiến Ấn Độ ở vịnh Bengal trong cuộc tập trận chung bảo vệ bờ biển lần đầu tiên giữa Nhật Bản và Ấn Độ hồi tháng 6/2014. Ảnh: Reuters |
"Cuộc tập trận Malabar bao gồm các hoạt động chống cướp biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa", Reuters dẫn nguồn phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ D.K. Sharma cho biết.
Malabar sẽ diễn ra từ ngày 14 tới ngày 19/10. Mỹ điều động tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và một tàu ngầm hạt nhân tới cuộc tập trận này. Phía Nhật Bản cũng triển khai một tàu khu trục tham gia. Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ huy động một tàu ngầm cùng nhiều tàu chiến và máy bay giám sát hàng hải tới vịnh Bengal.
Quyết định mở rộng thành viên tham gia cuộc tập trận Malabar, với sự tham gia của Nhật Bản, được đưa ra vài ngày sau khi quan chức Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đang cân nhắc việc đưa tàu chiến tiếp cận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc ngang nhiên xây dựng trên Biển Đông.
Động thái này có một ý nghĩa quan trọng vì từ trước tới nay Trung Quốc luôn phản đối quốc tế hóa tập trận. Vịnh Bengal có một vị trí chiến lược, là cửa ngõ nối Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương gồm có Biển Đông.
Bản đồ vịnh Bengal, Ấn Độ, nơi cuộc tập trận Malabar diễn ra. Ảnh: Wunderground |
Ấn Độ giữ thái độ trung lập trong những căng thẳng ở Biển Đông nhưng quốc gia này lại ủng hộ Mỹ trong việc kêu gọi tự do hàng hàng trong khu vực tranh chấp. Malabar 2015 vì thế diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang thực hiện một chính sách an ninh táo bạo hơn khi ông tìm cách thắt chặt mối quan hệ chiến lược với Mỹ và Nhật Bản trong khi vẫn giữ thái độ căng thẳng với Trung Quốc ở biên giới.