Việc chấm dứt hợp đồng vaccine của chính phủ Mỹ được các lãnh đạo công ty Emergent BioSolutions tiết lộ trong cuộc họp với các nhà đầu tư hôm 4/11, theo New York Times. Thỏa thuận trị giá 628 triệu USD giữa Emergent Biosolutions và chính quyền liên bang Mỹ từng đóng vai trò trọng tâm trong Chiến dịch Thần tốc (Warp Speed Opreation) nhằm đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Thỏa thuận béo bở
Trước đó, vào tháng 5/2020, Emergent được chính phủ liên bang trao hợp đồng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 mà không cần trải qua quy trình đấu thầu cạnh tranh thông thường với các đơn vị khác.
Thời điểm đó, Emergent trở thành hãng dược nội địa duy nhất được phép sản xuất vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson (J&J) và AstraZeneca.
Tuy nhiên, vào tháng 3, quá trình kiểm tra phát hiện một lô vaccine J&J bị nhiễm khuẩn. Sau khi đội ngũ thanh tra phát hiện ra một loạt vấn đề tại cơ sở của hãng dược này, Emergent buộc phải tạm dừng sản xuất trong nhiều tháng sau đó.
Đến tháng 6, giới chức y tế Mỹ buộc phải hủy bỏ khoảng 75 triệu liều vaccine loại một mũi tiêm duy nhất của J&J do sự cố nhiễm bẩn tại cơ sở sản xuất của Emergent ở khu Bayview thuộc Baltimore, bang Maryland.
Một trong những cơ sở sản xuất của Emergent Biosolutions tại Maryland, Mỹ. Ảnh: Getty. |
Giờ đây, vận may không còn mỉm cười với Emergent khi chính phủ Mỹ quyết định chấm dứt hợp đồng sản xuất vaccine trị giá 628 triệu USD với hãng dược này.
Emergent cho biết họ sẽ tiếp tục hợp tác với Johnson & Johnson để sản xuất vaccine ở Baltimore vì thỏa thuận của hai đơn vị này vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, quá trình sản xuất sẽ không nhận được khoản tài trợ từ chính phủ Mỹ vì hợp đồng trị giá hơn 600 triệu USD đã bị chấm dứt.
Dù chưa nhận được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất của Emergent ở Maryland đã hoạt động trở lại. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép Emergent duy trì nguồn cung khoảng 100 triệu liều để dùng trong tương lai, theo New York Times.
Quyết định hủy hợp đồng từ phía chính phủ Mỹ cũng kết thúc nỗ lực kéo dài gần một thập kỷ của giới chức nước này nhằm chuẩn bị để đối phó với tình hình đại dịch. Vào năm 2012, Bộ Y tế Mỹ đã trao cho Emergent một hợp đồng trị giá 163 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất ở Baltimore, tạo cơ sở để sản xuất vaccine một cách nhanh chóng nhằm đối phó với một loại virus mới.
Trước khi bị chính phủ Mỹ cắt hợp đồng, Emergent Biosolutions phụ trách sản xuất vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson và AstraZeneca. Ảnh: Reuters. |
Lỗi thuộc về ai?
Trong một bài viết trên tờ Baltimore Sun, Giám đốc điều hành Robert Kramer của Emergent được cho là đổ lỗi cho chính phủ khi chấm dứt hợp đồng tài trợ vaccine với hãng dược này.
Ông Kramer thừa nhận "không phải mọi thứ đều diễn ra hoàn hảo" trong bối cảnh đại dịch. "Nhưng nếu chính phủ muốn các doanh nghiệp tham gia vào nỗ lực chống dịch, họ cần kề vai sát cánh cùng chúng tôi, cả khi gặp khó khăn lẫn lúc gặt hái thành công".
Giám đốc điều hành Robert Kramer của Emergent Biosolutions. Ảnh: CNBC. |
Tuy nhiên, một quan chức giấu tên thuộc chính quyền Tổng thống Joe Biden phản đối ý kiến của ông Kramer. Vị quan chức cho biết hợp đồng sản xuất vaccine được hủy bỏ theo một cấu trúc khiến Emergent không thể phản đối, từ đó chính phủ có thể tránh được một thách thức pháp lý tốn kém.
Cũng theo nguồn tin trên, phía Emergent yêu cầu chính phủ thanh toán từ đầu năm, song giới chức Mỹ không thanh toán kể từ khi vụ ô nhiễm trong khâu sản xuất ở Baltimore bị phanh phui.
Ngày 4/11, ông Kramer tuyên bố các vấn đề xảy ra tại nhà máy của Emergent ở Baltimore xuất phát từ sự thiếu nhất quán trong khâu tài trợ của chính phủ. "Các khoản đầu tư không đủ để (nhà máy) duy trì khả năng ứng phó với trường hợp khẩn cấp", ông Kramer phát biểu trong cuộc họp với các nhà đầu tư của Emergent.
Quyết định chấm dứt hợp đồng với Emergent gần như không tác động đến nguồn cung vaccine ở Mỹ. Bởi lẽ, hợp đồng này chỉ liên quan đến khâu sản xuất vaccine của AstraZeneca, vốn không được cấp phép để phân phối tại Mỹ, theo New York Times.
Cùng lúc đó, hoạt động sản xuất vaccine J&J của Emergent dự kiến diễn ra bình thường. Hơn 15 triệu người Mỹ đã tiêm một liều vaccine J&J, trong khi gần 71 triệu người được tiêm đủ hai mũi vaccine Moderna và 107 triệu người đã nhận phác đồ hai liều của Pfizer-BioNTech.
Tính đến ngày 6/11, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận hơn 46,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có khoảng 752.000 trường hợp tử vong. Theo thống kê của Our World in Data, hơn 427 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được sử dụng tại Mỹ.