Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 9/11. |
Các nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). APEC cũng là sự kiện lớn nhất mà ông Tập Cận Bình chủ trì kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái.
Theo tờ Channel New Asia, ông Obama tới hội nghị với "vết thương" là thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua của đảng Dân chủ và khi mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở mức căng thẳng đến nỗi có nguy cơ rơi vào Chiến tranh Lạnh do cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ngày càng nồng ấm.
Nga và Trung Quốc thường xuyên tỏ ra khó chịu với sự can thiệp của Mỹ đối với các vấn đề của nhiều nước khác trên thế giới và thường xuyên bỏ phiếu ngược lại với Mỹ trong các cuộc biểu quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Nga Putin tới Bắc Kinh hôm 9/11/2014. |
Hôm 9/11, ông Putin và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Bắc Kinh. Tại cuộc gặp, ông Tập kêu gọi ông Putin tiếp tục gặt hái những thành quả trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Ông Tập nói: "Dù có thay đổi gì trên trường quốc tế, chúng ta cũng nên theo đuổi con đường đã chọn để mở rộng và tăng cường sự hợp tác có hiệu quả và toàn diện giữa hai nước". Trong khi đó, ông Putin cho biết mối quan hệ của họ "rất quan trọng để giữ cho thế giới nằm trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế".
Nga – Mỹ
Hiện vẫn chưa có thông tin gì về việc Tổng thống Obama và Tổng thống Putin có cuộc gặp bên lề APEC hay không.
Tuy nhiên, Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp và thẳng thắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị APEC về vụ máy bay MH17 bị rơi ở miền Đông Ukraine.
Ông Tony muốn đảm bảo rằng ông Putin đang làm mọi thứ để hỗ trợ cho cuộc điều tra về thảm kịch trên. Cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/11.
Mỹ - Trung
Nhà Trắng cũng hy vọng ông Obama và ông Tập Cận Bình sẽ có những "cuộc trò chuyện thẳng thắn và sâu sắc" tại Bắc Kinh về những vấn đề mà hai nước còn đang có những khác biệt lớn như các hoạt động gián điệp không gian mạng và an ninh hàng hải ở Biển Đông hay về các chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, điều được nhiều người quan tâm hơn là liệu cuộc gặp có cho ra đời một mô hình mới cho mối quan hệ giữa hai cường quốc hay không. Một số chuyên gia cho rằng sẽ không có bất kỳ bước đột phá nào đối với các vấn đề song phương phức tạp nhất giữa hai nước.
Giáo sư Yu Tiejun thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế, Đại học Bắc Kinh, cho hay: "Các tiến bộ đạt được hầu hết sẽ chỉ thuộc về các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu hay hợp tác song phương trong các vấn đề như dịch bệnh Ebola".
Trung - Nhật
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo trong những năm gần đây ở mức rất căng thẳng do tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sự căng thẳng gia tăng đến nỗi nhiều người lo sợ sẽ xảy ra các cuộc đụng độ vũ trang giữa hai nước. Tuy nhiên, hôm 7/11, hai nền kinh tế đứng thứ hai và thứ ba thế giới đã công bố một hiệp định 4 điểm để cải thiện các mối quan hệ.
Hai nhà lãnh đạo Trung - Nhật bắt tay tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh vào hôm nay (10/11). |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp vào sáng 10/11. Giới chuyên gia cho biết lãnh đạo hai nước cùng kêu gọi cải thiện mối quan hệ song phương cũng như hạ nhiệt căng thẳng trong các tranh chấp chủ quyền.
Ông Abe khẳng định lãnh đạo hai nước đã đồng thuận về việc đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp hàng hải nhằm ngăn chặn những cuộc đụng độ có thể xảy ra trong tương lai khi lực lượng tàu tuần tra và chiến đấu cơ của hai nước nhiều lần rượt đuổi nhau gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai nước trong vòng gần 3 năm qua. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Trung Quốc dường như lại không mấy quan tâm đến cuộc gặp này.
Giáo sư Zhou Yongsheng, một chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nhận định: "Trên thực tế, Trung Quốc không quan tâm đến cuộc gặp này như các phương tiện truyền thông nước ngoài. Trung Quốc chỉ quan tâm về cách thức cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản chứ không phải là xem cuộc gặp này có diễn ra hay không".