Mỹ lấn sân vào Myanmar
Ngay đầu tháng 5, chính quyền Washington đã có những động thái mở rộng vòng tay với Myanmar. Giới quan sát nhận định đây là cách Mỹ lấn vào “sân sau” của Trung Quốc.
AFP dẫn lời một thành viên giấu tên trong Quốc hội Mỹ cho biết Tổng thống Myanmar Thein Sein dự kiến sẽ có mặt ở Washington vào ngày 20 hoặc 21/5, và ông là nguyên thủ đầu tiên của Myanmar đến đây trong gần 50 năm qua, kể từ sau chuyến thăm của thủ lĩnh quân đội Ne Win theo lời mời của tổng thống Lyndon Johnson năm 1966.
Rồi ngày 2/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thị thực đối với Myanmar đưa ra từ năm 1996, theo đó cấm giới chức và các nhân vật được hưởng trợ cấp chính phủ vào Mỹ. Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh các quan chức trên vẫn sẽ phải tuân thủ một số quy định cấp thị thực nghiêm ngặt.
Chính trị - kinh tế song hành
Washington đã có những phản ứng khá nhạy để bước vào Myanmar qua các chuyến thăm con thoi trong hai năm qua. Đầu tiên là chuyến đi của Ngoại trưởng Hillary Clinton hồi tháng 12/2011, sau vài thập niên cắt đứt quan hệ ngoại giao. Chưa đầy một năm sau đó, Tổng thống Barack Obama đã đích thân đến quốc gia này.
Người dân Myanmar chọn thức ăn tại một trong chuỗi nhà hàng Feel ở Yangon. Kinh tế Myanmar khởi sắc hẳn từ khi bắt đầu mở cửa - Ảnh: Reuters |
Giới chuyên gia cho rằng thông qua việc tăng tốc chính sách ưu tiên ngoại giao với Myanmar, Mỹ đang muốn kéo Myanmar thoát khỏi ảnh hưởng Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc không chỉ có số lượng lớn các doanh nghiệp đầu tư vào Myanmar, mà còn xây dựng tuyến đường ống vận chuyển dầu khí chiến lược từ Myanmar đến tỉnh Vân Nam để không còn phụ thuộc vào tuyến đường vận chuyển qua eo biển Malacca do Mỹ kiểm soát.
Washington đã đi từng bước nhưng khá nhanh. Trước hết là dỡ bỏ cấm vận rồi tích cực ủng hộ cải cách dân chủ ở Myanmar. Ngay từ tháng 7/2012, Chính phủ Mỹ đã bật đèn xanh cho các công ty trong nước được phép đổ tiền đầu tư vào Myanmar sau thời gian dài cấm vận.
Trong thời điểm hiện nay, Washington đang xem xét cho phép Myanmar tham gia một thỏa thuận tiếp cận khoảng 5.000 loại hàng hóa miễn thuế của Mỹ. Tổng thống Obama cũng đã gia hạn thêm một năm đạo luật Tình trạng khẩn cấp quốc gia, cấm các công ty và cá nhân Mỹ đầu tư hoặc giao dịch, làm ăn với một số quan chức Myanmar nhằm đảm bảo những cải cách tại Myanmar tiếp tục được thực hiện.
David Steinberg, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Myanmar tại Đại học Georgetown, nhận định những động thái trên cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và quốc gia được mệnh danh là “sân sau của Trung Quốc” đang ấm dần lên. Nhất là trong bối cảnh Washington đang đẩy mạnh chiến lược “xoay trục châu Á”, mà nội hàm không chỉ là tăng cường quân sự với đồng minh và đối tác mà còn bao gồm cả kinh tế. Myanmar là cái tên mới mà Mỹ đang đưa vào danh sách để mở rộng biên độ ảnh hưởng của mình.
Bức tranh chính trị mới
Các nguồn tin từ Washington trong thời gian qua cho thấy không chỉ ưu tiên thương mại và những trao đổi song phương, chính quyền Obama còn chú trọng đến yếu tố quân sự khi tiếp cận với Myanmar. Theo nhận định của giới chuyên gia, một khi xây dựng được quan hệ quân sự với Myanmar, tức Mỹ đã xây dựng được quan hệ ngoại giao “thân thiết” và có thể nâng tầm quan hệ này thành quan hệ đồng minh ở Đông Nam Á.
Bước đầu, Mỹ đã cho mời các nhà quan sát quân sự Myanmar tham gia cuộc tập trận Hổ mang vàng ở Thái Lan hồi tháng 2/2013. Báo Asia Times ngày 2/5 dẫn lời quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Joseph Yun nói trước Quốc hội Mỹ rằng “chính quyền Mỹ đang để mắt đến nhiều biện pháp hỗ trợ cam kết quân sự với Myanmar nhằm khuyến khích quốc gia Đông Nam Á này mở rộng thêm cải cách chính trị”.
Cựu phóng viên chuyên viết về Myanmar của tạp chí Far Eastern Economic Review Bertil Lintner nhận định những động thái trên cho thấy một dấu hiệu mới đang xuất hiện trong bức tranh chính trị của Myanmar.
Tuy nhiên, Washington đang thận trọng nhằm tránh gây căng thẳng với Trung Quốc. Theo chuyên gia Steinberg, Bắc Kinh sẽ rất quan ngại nếu Myanmar chuyển hướng quan hệ gần Mỹ hơn bởi Trung Quốc luôn cho rằng đây là bước thứ hai trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ.
“Song tôi cho rằng Myanmar sẽ theo đuổi một chính sách cân bằng vì nước này không muốn lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ hay Trung Quốc. Myanmar sẽ xoay xở để không làm mất lòng Trung Quốc trong khi cho phép phương Tây can dự nhiều hơn vào đất nước này” - tạp chí Foreign Policy dẫn lời ông Steinberg.
Theo Tuổi trẻ