Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ kiểm soát thị trường dầu thô, căng thẳng Iran không thổi bùng giá

Trong quá khứ, căng thẳng tại vùng Vịnh thường đẩy giá dầu tăng vọt do nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Nhưng khi Iran bắt tàu Anh trên eo biển Hormuz, giá dầu chỉ tăng rất nhẹ.

Theo CNBC, sau khi Iran bắt giữ tàu Stena Impero trên eo biển Hormuz hôm 19/7, giá dầu thô trên thị trường quốc tế hầu như không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 22/7, giá dầu Brent chỉ tăng 2%. 

"Giá dầu không còn là phong vũ biểu đánh giá mức độ nghiêm trọng của xung đột ở Trung Đông. Vài năm trước, chỉ cần theo dõi giá dầu tăng là đủ để xác định khủng hoảng tại khu vực lớn đến mức nào", CNBC dẫn lời nhà phân tích Helima Croft của RBC nhận định. 

Trên thực tế, căng thẳng giữa Iran và phương Tây đã kéo dài từ nhiều tuần qua. Vài tuần trước, Anh bắt giữ một tàu Iran vì nghi ngờ nó chở dầu thô đến Syria. Hôm 19/6, Iran gây chấn động khi bắn hạ một máy bay không người lái của lực lượng Mỹ. 

gia dau khong bi anh huong boi xung dot anh 1
Hôm 19/7 Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh. Ảnh: AP. 

Sau đó, đến lượt tàu USS Boxer của Mỹ bắn rơi một máy bay không người lái của quân đội Iran. Hôm 22/7, chính quyền Tehran tuyên bố đã bắt giữ 17 điệp viên làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và một số đã bị tử hình.

Bất chấp tình hình căng thẳng ở vùng Vịnh, giá dầu vẫn không tăng. Tuần trước, giá dầu Brent sụt giảm 6,4% và đang dao động ở mức 63,24 USD/thùng. Dầu WTI sụt tới 7,6%, hiện đứng ở mức 56,16 USD/thùng.

"Điều đó không có nghĩa là khủng hoảng tại vùng Vịnh không nghiêm trọng. Xung đột rất có thể sẽ leo thang vì một tính toán sai nào đó. Vấn đề là giá dầu không còn là phong vũ biểu để xác định khủng hoảng sẽ đi đến đâu", chuyên gia Croft nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, căng thẳng vùng Vịnh không đẩy giá dầu tăng cao là do sản lượng dầu Mỹ thời gian qua tăng vọt. Mỹ đã vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. 

gia dau khong bi anh huong boi xung dot anh 2
Tàu USS Boxer của hải quân Mỹ bắn hạ một máy bay không người lái của Iran. Ảnh: US Navy

"Việc sản lượng dầu Mỹ tăng lên đến hơn 12 triệu thùng/ngày đã tạo ra một bức 'tường lửa' ngăn chặn các rủi ro với giá dầu. Iran có thể bắt giữ hàng loạt tàu chở dầu ở Hormuz, nguồn cung dầu toàn cầu vẫn dồi dào", chuyên gia John Kilduff của Again Capital giải thích.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Citigroup chỉ ra rằng sự thống trị của Mỹ trên thị trường dầu thô thể hiện ở chỗ chỉ một cơn bão ở Vịnh Mexico sẽ tác động lên giá dầu đáng kể hơn nhiều so với nguy cơ gián đoạn nguồn cung vì căng thẳng Trung Đông.

Khu vực Vịnh Mexico (Mỹ) hiện xuất khẩu hơn 7 triệu thùng dầu khí mỗi ngày, bao gồm 2,5 triệu thùng dầu thô, gần 1,5 triệu thùng khí đốt hóa lỏng và hơn 3 triệu thùng các sản phẩm khác từ dầu mỏ.

Dù vậy các chuyên gia vẫn cảnh báo thị trường dầu có thể rung chuyển nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa hoàn toàn và tình trạng này kéo dài. Ông Kilduff nhận định giá dầu có thể tăng nếu các vụ tấn công nghiêm trọng xảy ra ở eo biển Hormuz. 

Trên tàu chiến Mỹ ở Vùng Vịnh, một lỗi nhỏ đã đủ châm ngòi chiến tranh

Vụ máy bay không người lái bị bắn hạ gần eo biển Hormuz, dù Mỹ và Iran có những tuyên bố trái ngược, vẫn cho thấy chỉ một tính toán sai lầm cũng có thể làm bùng nổ chiến tranh.


 


An Chi

Bạn có thể quan tâm