Xe quân sự của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản tham gia cuộc tập trận tại đảo San Clemente, ngoài khơi San Diego, bang California, Mỹ. Ảnh: Kyodo |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 và là sĩ quan hải quân hàng đầu của Mỹ tại châu Á cho rằng các đồng minh, các đối tác và các nước bạn trong khu vực sẽ ngày càng trông chờ Nhật Bản đảm trách nhiệm vụ làm ổn định tình hình.
Mặc dù Tokyo không có lợi ích lãnh thổ nào ở vùng Biển Đông trong khi Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này, tuy nhiên, Biển Đông là tuyến đường giao thương quan trọng đối với Nhật Bản.
Kể từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn chủ trương rằng nước này đóng một vai trò quân sự mạnh hơn tại châu Á.Mỹ cũng ủng hộ việc mở rộng vai trò của Tokyo trong khu vực trong bối cảnh hai nước đồng minh này đang thương lượng một hiệp ước an ninh song phương mới trong khuôn khổ chiến lược "xoay trục" sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hiệp ước mới sẽ dành cho Nhật Bản một vai trò lớn hơn trong liên minh này.
Những thay đổi nói trên cũng trùng hợp với việc Nhật Bản vừa triển khai một máy bay tuần tra mới trên biển mang tên P-1, có tầm hoạt động 8.000 km, gấp đôi tầm hoạt động của các máy bay hiện nay. Với máy bay mới này, Tokyo có thể mở rộng việc tuần tra sang Biển Đông.
Hiện các máy bay của Nhật Bản đang tuần tra tại vùng biển Hoa Đông, nơi mà Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.