Bộ Ngoại giao Mỹ công bố khoản viện trợ 5 triệu USD cho Quỹ Hỗ trợ Kinh tế, sẽ nhằm đem lại những “hỗ trợ ngay lập tức, bao gồm hỗ trợ phục hồi khu vực tư nhân bằng cách giảm thiểu tác động tài chính của đại dịch đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ”, theo thông cáo ngày 1/5.
Khoản tiền trên cũng sẽ giúp “giải quyết tác động phi tài chính lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hợp tác với các bên liên quan của chính phủ Việt Nam để tăng cường các biện pháp cứu trợ của chính phủ”, theo thông cáo.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói khoản viện trợ sẽ “tăng cường tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp”, và “giúp Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại để tiếp tục hành trình trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao... củng cố cam kết của chúng tôi ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập”.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink. Ảnh: AP. |
Trước đó, Mỹ cũng công bố khoản hỗ trợ y tế 4,5 triệu USD nhằm giúp Việt Nam “chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt hệ thống giám sát, phát hiện ca nghi nhiễm, hỗ trợ chuyên môn trong chuẩn bị và ứng phó, giáo dục cộng đồng, ngăn chặn lây nhiễm ở cơ sở y tế, và kiểm tra y tế cộng đồng tại các điểm nhập cảnh”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết trong 20 năm qua, Mỹ đã viện trợ tổng cộng hơn 1,8 tỷ USD cho Việt Nam, bao gồm 706 triệu USD cho y tế.
“Sau nhiều tháng đại dịch, Mỹ vẫn là nước viện trợ nhiều nhất cho các nỗ lực ứng phó trên toàn cầu, dựa vào nhiều thập kỷ dẫn đầu về y tế và hỗ trợ nhân đạo”, theo thông cáo, trong đó nêu cụ thể những cam kết hỗ trợ của Mỹ đối với nhiều quốc gia, tổng cộng lên tới 775 triệu USD từ đầu dịch Covid-19.
Giữa tháng 4, một thỏa thuận hỗ trợ khác trị giá 42 triệu USD được Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký trực tuyến, nhằm tăng năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam.