Khả năng tạo ra những trận siêu bão của con người giờ không chỉ là những điều tồn tại trong phim khoa học viễn tưởng. |
Natural News vừa tiết lộ một bí mật về việc Mỹ đang âm thầm phát triển một chương trình vũ khí mang tên HAARP (High Frequency Active Auroral Research Program, tạm dịch là "Chương trình nghiên cứu hoạt động cực quang cao tần"). Về lý thuyết, đây là chương trình tạo ra một liên kết radio trên một khoảng cách rất xa nhờ vào tầng điện ly của bầu khí quyển để kết nối các hoạt động của Hải quân Mỹ trên toàn thế giới.
Trạm an-ten phát tần số cao tần của chương trình HAARP của Mỹ nhằm tác động vào sự thay đổi của tầng điện ly từ đó kiểm soát việc thay đổi thời tiết. |
Diễn biến thời tiết ở trên mặt đất phụ thuộc rất lớn vào những thay đổi ở tầng điện ly. Nếu con người hiểu sự biến đổi của tầng điện ly thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát việc thay đổi thời tiết ở trên mặt đất. Chương trình HAARP sử dụng các máy phát tần số cao truyền tín hiệu vào tầng điện ly để nghiên cứu những thay đổi do nó tạo ra.
Một báo cáo của Duma quốc gia Nga cho biết: “Mỹ đang có kế hoạch thực hiện các thí nghiệm với quy mô lớn hơn với chương trình HAARP nhằm tạo ra một thứ vũ khí thời tiết có khả năng phá vỡ các hoạt động liên lạc bằng sóng vô tuyến đối với các thiết bị trên tàu vũ trụ, vệ tinh, tên lửa, gây ảnh hưởng đến mạng lưới điện trên mặt đất cũng như các đường ống dẫn dầu và khí đốt”.
Các nhà khoa học còn cho rằng, chương trình HAARP có khả năng tạo ra những kiểu thời tiết bất thường như các trận siêu bão, hạn hán, lũ lụt, tuyết rơi làm phá hủy hệ thống sinh thái và nông nghiệp của đối phương, gây bất ổn và làm kiệt quệ nền kinh tế của đối phương, khiến họ phải phụ thuộc vào viện trợ hay nhập khẩu lương thực từ Mỹ và các nước phương Tây khác.
TheWeatherSpace cho rằng, Không quân Mỹ đã từng tạo ra một trận lốc xoáy ở bang Oklahoma trong khuôn khổ chương trình HAARP của họ. Ảnh minh họa. |
Tới nay Mỹ đã triển khai chương trình HAARP trên thực tế. Theo Global Research, Mỹ đã bí mật lắp đặt 132 máy phát tần số cao tần ở bang Alaska để phục vụ cho quá trình nghiên cứu tầng điện ly. The Weather Space từng tiết lộ, Không quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm kỹ thuật tạo lốc xoáy ở bang Oklahoma. Tuy nhiên, Không quân Mỹ đã phủ nhận tin này.
Mặc dù chương trình HAARP vẫn còn là một ẩn số nhưng quân đội Mỹ từng sử dụng những dạng vũ khí thời tiết trong chiến tranh tại Việt Nam.
Từ ngày 20/3/1967-5/7/1972, Không quân Mỹ đã tiến hành chiến dịch Popeye nhằm làm trầm trọng hơn mùa mưa tại Lào, đặc biệt là các khu vực đường mòn Hồ Chí Minh, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp tế hàng hóa.
Trong chương trình này, Không quân Mỹ đã sử dụng các máy bay rải tinh thể bạc iodide nhằm tăng cường sự tích tụ của các đám mây nhằm gây mưa trên mặt đất. Chiến dịch Popeye đã khiến mùa mưa trên đường mòn Hồ Chí Minh kéo dài thêm từ 30 đến 45 ngày. Lượng mưa tăng thêm khoảng 30% so với thông thường.
Việc mùa mưa kéo dài khiến các tuyến đường trở nên lầy lội, các khe suối luôn đầy lũ dữ khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa từ miền bắc vào miền nam trở nên khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn và tốn kém hơn. Chiến dịch Popeye làm thay đổi thời tiết trên đường mòn Hồ Chí Minh đã đạt được những thành công nhất định.
Trong chiến dịch bao vây Khe Sanh năm 1968 , Không quân Mỹ cũng sử dụng một dạng vũ khí thời tiết khác là sử dụng muối để làm tan sương mù trên mặt đất từ đó tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động chi viện hỏa lực đường không của họ.
Việc nghiên cứu và can thiệp, góp phần thay đổi thời tiết sẽ có tác dụng nhất định trong việc chống lại biến đổi khí hậu do sự ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng kéo theo nguy cơ vô cùng lớn khi trở thành một thứ vũ khí.
Một khi đã kiểm soát được việc thay đổi thời tiết, con người có thể sử dụng nó cho những mục đích bất chính. Khi đó, vũ khí thời tiết sẽ là thảm họa đối với nhân loại nếu không được ràng buộc bởi luật pháp quốc tế.