Văn phòng Tư lệnh châu Âu cho biết, 12 cường kích A-10 của Mỹ sẽ được đưa tới căn cứ không quân Spangdahlem, Đức. Nó là một phần của chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương, được phát động sau loạt cáo buộc Nga can thiệp và tình hình Ukraine trong năm 2014, CNN đưa tin. |
Trung tướng Tom Jones, Phó chỉ huy Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, cho biết: “Không quân đang tăng cường hiện diện luân phiên ở châu Âu để trấn an các đồng minh và đối tác của Washington. Các hoạt động này nhằm thể hiện cam kết an ninh châu Âu là ưu tiên hàng đầu của Mỹ”. |
Bên cạnh các hoạt động tại Đức, cường kích A-10 sẽ tham gia các hoạt động ở Đông Âu. Trong những năm qua, quân đội Mỹ cũng thường xuyên hiện diện ở Lithuania, Estonia, Latvia và Ba Lan. Sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, Mỹ thường xuyên tập trận ở các quốc gia lân cận nhằm đảm bảo cam kết bảo vệ đồng minh. |
Cường kích phản lực A-10 còn có biệt danh là “lợn lòi”. Nó ra đời trong những năm 1970 để hỗ trợ lực lượng mặt đất ở châu Âu chống lại xe tăng và xe bọc thé của Liên Xô. A-10 có khả năng ném bom và bắn tên lửa nhưng vũ khí chống tăng hiệu quả nhất của nó là khẩu súng máy 7 nòng Gatling cỡ nòng 30 mm. Với tốc độ bắn đạt 4.000 viên/phút, nó nhanh chóng vô hiệu hóa một chiếc xe tăng dưới mặt đất. |
Ngoài ra, kết cấu thân A-10 khá bền giúp nó hạn chế hỏa lực phòng không từ mặt đất khi di chuyển ở độ cao thấp. Khoang lái của phi công được bao bọc bởi titan và kính chống đạn dày, giúp bảo vệ phi công khi thực hiện nhiệm vụ cường kích. Người ta cũng dễ dàng sửa chữa và thay thế các bộ phận của A-10 trong điều kiện chiến đấu. |
Khả năng chiến đấu của A-10 đã được chứng minh trong các chiến dịch quân sự ở Iraq và Afghanistan. Nó cũng tham gia chiến dịch tiêu diệt các mục tiêu của lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang lộng hành ở Iraq và Syria. Theo giới chức quân sự Mỹ, loại chiến đấu cơ này đảm trách 11% nhiệm vụ tấn công IS. |