Trung tâm phóng tên lửa Wallops ở Virginia bị hư hại nặng sau vụ nổ tên lửa Antares. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, hãng Orbital Sciences, công ty sản xuất tên lửa Antares, cho biết họ đã có kế hoạch thay động cơ tên lửa Nga trước khi vụ nổ tại bang Virginia xảy ra. Dự kiến Orbital sẽ đưa vào sử dụng động cơ của hãng Alliant Techsystems.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết Washington quyết chấm dứt sự phụ thuộc của nước này đối với động cơ tên lửa do Nga sản xuất và tàu vũ trụ Soyuz. Loại tàu này là cách duy nhất hiện nay để đưa phi hành gia lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Các nghị sĩ Mỹ đã lên kế hoạch cấp kinh phí 220 triệu USD cho việc nghiên cứu và sản xuất động cơ tên lửa mới cho tên lửa Antares của Orbital và cả tên lửa Atlas V do hãng United Launch Alliance sản xuất.
Tên lửa Atlas V đang sử dụng động cơ RD-180 do Nga sản xuất, vẫn còn mới và chưa có bất cứ trục trặc kỹ thuật nào. Nhà Trắng ước tính việc tìm kiếm động cơ thay thế cho RD-180 của Nga sẽ tốn khoảng 1,5 tỷ USD trong vòng vài năm tới.
Orbital Sciences và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang điều tra nguyên nhân vụ nổ tên lửa Antares hôm 29/10.
Nhà chức trách Mỹ đã đặt nghi vấn động cơ AJ-26 của tên lửa này bị trục trặc kỹ thuật. AJ-26 là phiên bản của động cơ NK-33 do công ty Nga Kuznetsov sản xuất.
Động cơ NK-33 được phát triển để phục vụ dự án phóng tên lửa N-1 của Nga lên mặt trăng trong thập niên 1970. Mới đây, công ty Kuznetsov tuyên bố động cơ NK-33 không có bất cứ vấn đề gì. Trục trặc kỹ thuât có thể xuất phát từ việc Mỹ điều chỉnh động cơ này.
Rất nhiều động cơ NK-33 được sản xuất trong thập niên 1970. Tuy nhiên sau đó chúng sớm bị bỏ xó vì chương trình tên lửa N-1 của Nga thất bại. Công ty Aerojet Rocketdyne mua lại 40 động cơ NK-33 vào thập niên 1990 và nâng cấp lên thành động cơ AJ-26 để đẩy tên lửa Mỹ.
Động cơ AJ-26 từng bị trục trặc khi thử nghiệm. Một động cơ bốc cháy năm 2011, một chiếc khác cũng phát nổ khi được thử nghiệm hồi tháng 5. Chủ tịch Orbital Sciences David Thompson cũng thừa nhận động cơ AJ-26 từng gây khó khăn kỹ thuật cho hãng trong thời gian qua.
Kể từ khi dừng chương trình tàu con thoi năm 2011, Mỹ phải dựa vào động cơ và hệ thống tên lửa Nga để đưa phi hành gia và hàng hóa lên ISS. Tuy nhiên khủng hoảng Ukraine đã khiến quan hệ hai nước căng thẳng, hợp tác không gian bị hạn chế.
Sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt Nga, Moscow đã ra lệnh cấm xuất khẩu động cơ dùng để phóng vệ tinh quân sự Mỹ.
Báo Guardian nhận định trong thời gian trước mắt, Mỹ vẫn sẽ buộc phải sử dụng động cơ tên lửa Nga bất chấp những ồn ào xung quanh vụ nổ tên lửa Antares.