Thiết kế rocket GLSDB với bom GBU-39 gắn trên rocket M26. Ảnh: SAAB. |
Theo các quan chức Mỹ giấu tên, nước này đang chuẩn bị gói viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine trị giá 2,17 tỷ USD và dự kiến công bố hôm 3/2.
Gói viện trợ của Mỹ bao gồm 425 triệu USD đạn dược và thiết bị hỗ trợ sẽ được lấy từ ngân sách thuộc Quyền huy động nguồn lực quân sự của Tổng thống Mỹ. Khoản tiền này sẽ tập trung vào mua các loại xe thiết giáp kháng mìn (MRAP) và đạn dẫn đường cho pháo HIMARS, theo Reuters.
Khoản tiền trị giá 1,75 tỷ USD trong gói viện trợ sẽ được lấy từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), nguồn tiền được quốc hội Mỹ phân bổ để chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí trực tiếp từ các tập đoàn quốc phòng thay vì rút từ kho dự trữ của quân đội Mỹ.
Gói viện trợ này cũng đánh dấu cột mốc lần đầu tiên Washington cung cấp rocket tầm xa cho Kyiv, loại bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) do tập đoàn Boeing và tập đoàn quốc phòng SAAB của Thụy Điển phát triển, theo Reuters.
GLSBD là loại bom dẫn đường bằng GPS có thể cơ động tấn công các mục tiêu khó tiếp cận như trung tâm chỉ huy. Đặc biệt, loại bom này khi kết hợp với rocket M26 và bom đường kính nhỏ GBU-39, cho phép tấn công mục tiêu từ khoảng cách 150 km với độ chính xác cao.
Dù loại vũ khí trên chưa tương thích với HIMARS, phía Mỹ hứa hẹn sẽ cung cấp cho Ukraine các bệ phóng rocket và có thể giao sớm vào đầu năm 2023, theo AP.
Gói viện trợ này giúp Ukraine củng cố khả năng phòng thủ trước các đợt tấn công tên lửa, đặc biệt trong bối cảnh Washington vẫn từ chối cung cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS cho nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 2/2 chia sẻ nước này sẵn sàng đảm bảo với các đối tác phương Tây rằng các gói viện trợ quân sự sẽ không được sử dụng để tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
“Ukraine sẵn sàng đưa ra bất kỳ đảm bảo nào rằng vũ khí này sẽ không được sử dụng vào các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga”, ông Reznikov nhấn mạnh trong cuộc họp với các giới chức EU.
Ông Reznikov cũng nhấn mạnh thêm rằng Kyiv cần vũ khí có tầm bắn xa lên tới 300 km.
Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 2/2 cho biết Nga sẽ tận dụng nhiều hơn khả năng đáp trả khi phương Tây tăng cường chuyển giao vũ khí cho Ukraine và không chỉ nằm ở lĩnh vực quân sự, theo Tass.
“Khi các loại vũ khí mới được phương Tây chuyển giao, Nga có đủ khả năng và sẽ tận dụng nhiều hơn tiềm năng của mình để đáp trả trong quá trình diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt,”, ông Peskov cho biết.
Tính từ tháng 1/2021 đến nay, Mỹ là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, với tổng mức hỗ trợ quân sự lên hơn 27,2 tỷ USD.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.