Mỹ 'chơi trò hai mặt' với Trung - Nhật?
Mỹ chưa từng công nhận tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư/Sekaku và kiên quyết giữ lập trường trung lập trong tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật, theo báo cáo Quốc hội Mỹ.
Theo Nhân dân nhật báo, bản báo cáo trên được Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội công bố vào ngày 25/9. Báo cáo trích dẫn, Mỹ chỉ công nhận quyền hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku sau khi Hiệp ước trao trả Okinawa được ký năm 1971.
Theo Nhân dân nhật báo của Trung Quốc, một báo cáo của Quốc hội Mỹ khẳng định, Mỹ chỉ công nhận quyền quản lý Điếu Ngư/Senkaku của Nhật Bản chứ chưa từng công nhận các tuyên bố chủ quyền của Tokyo liên quan đến quần đảo này. |
Trong suốt cuộc thảo luận của Thượng viện Mỹ liên quan đến các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định, Mỹ giữ lập trường trung lập với các tuyên bố từ phía Trung Quốc hay Nhật Bản bất chấp việc Washington công nhận quyền quản lý quần đảo này thuộc về Nhật Bản. “Việc trao lại quyền quản lý quần đảo cho Nhật Bản không đồng nghĩa với việc công nhận bất cứ tuyên bố chủ quyền nào đối với quần đảo”, quan chức ngoại giao Mỹ quả quyết.
Giới phân tích cho rằng, bản báo cáo phản ánh lập trường trung lập của chính quyền Obama liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và đồng minh ruột trong khu vực của họ là Nhật Bản có thể là một nỗ lực làm dịu căng thẳng giữa các bên nhưng khó lòng thay đổi chính sách “nghiêng về Nhật hơn” của Mỹ.
Theo đó, bản báo cáo của Quốc hội Mỹ cũng đề cập đến việc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nằm trong phạm vi của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1960 kể từ năm 1972. Do đó, Mỹ có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ “các vùng lãnh thổ dưới sự quản lý của Nhật Bản”.
Ông Feng Wei, một chuyên gia về Nhật Bản của Đại học Fudan ở Thượng Hải bình luận, lập trường của Mỹ về vấn đề Điếu Ngư/Senkaku trên thực tế vẫn còn nhập nhằng, thiếu minh bạch. Lý do là, trong khi họ tỏ rõ sự ủng hộ đối với Tokyo với Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật song lại cảnh báo “đồng minh ruột” không phá vỡ “giới hạn đỏ” với Trung Quốc hoặc kích động, tạo ra các cuộc xung đột quy mô lớn liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Lý giải động thái đó của Mỹ, ông Feng Wei cho rằng: “Do Washington vô cùng quan ngại tranh chấp lãnh thổ Trung – Nhật đe dọa các lợi ích kinh tế của không chỉ Mỹ mà cả Nhật Bản cũng như sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh chính quyền Obama đang thực thi chính sách chuyển hướng về châu Á".
Quan hệ song phương Trung - Nhật hiện ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua do căng thẳng liên quan đến các tuyên bố chủ quyền của cả hai bên đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua nhấn mạnh, tàu hải giám của nước này vẫn sẽ thực thi các nhiệm vụ trong vùng biển gần Điếu Ngư/Senkaku. “Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của các lực lượng vũ trang Trung Quốc”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh. Đồng thời, ông Hồng Lỗi cũng kêu gọi Nhật Bản sửa chữa sai lầm và đàm phán để giải quyết tranh chấp, xử lý đúng đắn các vấn đề liên quan.
Trong khi đó, Mỹ cũng vừa triển khai hai hàng không mẫu hạm tới Tây Thái Bình Dương, động thái mà theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản là nhằm kiểm soát các hoat động của quân đội Trung Quốc và đáp trả việc nước này hạ thủy tàu sân bay đầu tiên vào cuối tháng 9 vừa qua.
Phương Đăng
Theo Infonet