Trả lời câu hỏi của Zing.vn về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Tổng thống Donald Trump xem xét kế hoạch đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết "các nền kinh tế phải đạt được sự đồng thuận của các nước thành viên Hiệp định nếu muốn gia nhập".
"Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là CPTPP là hiệp định thương mại mở, theo đó các nền kinh tế có thể tham gia CPTPP sau khi hiệp định đi vào triển khai trên cơ sở chấp thuận các tiêu chuẩn cao của hiệp định", bà Lê Thị Thu Hằng phát biểu ngày 19/4.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Hôm 13/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump hé lộ khả năng đưa Mỹ tái gia nhập TPP khi yêu cầu các cố vấn "nghiên cứu về việc thỏa thuận một hiệp định tốt hơn cho nước Mỹ". Việc ông Trump đột ngột tuyên bố muốn quay lại hiệp định gây bất ngờ với nhiều người và có thể bị coi là một cái "tự tát vào mặt" của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định lập trường của tổng thống là kiên định vì ông từng nói về việc tái gia nhập trước đây.
Việc cân nhắc tái gia nhập TPP được thông báo trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh liên tục áp dụng thuế trừng phạt lên các mặt hàng nhập khẩu của nhau, vẽ ra viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại. Nhiều nghị sĩ Mỹ quan ngại về viễn cảnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc cho rằng việc quay lại TPP là cách tốt nhất để gây áp lực với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này.
Hiệp định TPP được lập ra với mục đích xóa bỏ hàng rào thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời ngăn chặn tầm ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc đối với khu vực.
Sau khi Trump rút Mỹ khỏi TPP, 11 nước còn lại của hiệp định đã tái khởi động đàm phán và TPP được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc tái tham gia của Mỹ sẽ cần được 11 thành viên hiện tại chấp thuận.