Mỹ cam kết ổn định an ninh châu Á
Hôm nay (3/9), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Indonesia, một phần trong chuyến công du 6 nước châu Á - Thái Bình Dương, nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ đang leo thang trong khu vực.
Theo báo Jakarta Post, tại Jakarta bà Clinton sẽ gặp Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Ngoại trưởng Marty Natalegawa và các quan chức cấp cao khác. Ngoài chủ đề hợp tác kinh tế với Indonesia, bà Clinton sẽ thảo luận về tranh chấp biển Đông và các vấn đề của ASEAN. Sau đó bà Clinton sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 4 và 5/9.
Giới phân tích Indonesia và quốc tế nhận định chính quyền Washington muốn khuyến khích Indonesia tiếp tục đóng vai trò tích cực để giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Mỹ đánh giá cao việc Ngoại trưởng Natalegawa thực hiện chuyến công du con thoi hồi tháng 7/2012 đến các nước ASEAN. Kết quả là ASEAN đã ra tuyên bố chung sáu điểm về vấn đề biển Đông.
“Trung Quốc cần công bằng và minh bạch”
Theo lịch trình, sau Indonesia bà Clinton sẽ gặp các lãnh đạo cấp cao Đông Timor, Trung Quốc và Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh chuyến đi của Ngoại trưởng Clinton nhằm khẳng định cam kết của Mỹ về việc ổn định châu Á - Thái Bình Dương. “Một trong những thông điệp mà chúng tôi muốn đưa ra trong chuyến công du là làm dịu những cái đầu nóng” - báo Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Đoàn khảo sát vùng nước của Nhật Bản hoạt động tại vùng đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư-một trong những điểm nóng nhất tại châu Á hiện nay |
Tại Trung Quốc, chắc chắn bà Clinton sẽ thảo luận vấn đề tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông. “Căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước lớn và quốc gia láng giềng nhỏ hơn ở châu Á đang gia tăng. Mỹ đang tìm kiếm giải pháp để đảm bảo giải quyết bất đồng thông qua đối thoại thay vì vũ lực” - trang US Policy dẫn lời bà Clinton khẳng định. Bà Clinton nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước trong khu vực.
“Thái Bình Dương đủ lớn cho tất cả chúng ta. Chúng ta chia sẻ lợi ích chung trong hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực này. Song ở Thái Bình Dương chúng tôi muốn nhìn thấy Trung Quốc hành động công bằng và minh bạch trong các vấn đề an ninh biển và hàng không” - bà Clinton kêu gọi. Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh Gary Locke bác bỏ quan điểm “Mỹ đang bao vây Trung Quốc”. “Sự hiện diện an ninh của Mỹ có lợi cho các quốc gia trong khu vực” - ông Locke khẳng định.
Theo Reuters, mới đây Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng tuyên bố sẽ trở lại châu Á trong tương lai gần nhằm xác định các ưu tiên và mục tiêu của Mỹ trong khu vực. Truyền thông Trung Quốc tiếp tục phản ứng tiêu cực về chuyến đi của bà Clinton. Tân Hoa xã dẫn lời một số quan chức Trung Quốc cáo buộc Mỹ “kích động tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng để kiềm chế Bắc Kinh”.
Biển Hoa Đông vẫn nóng
Trong khi đó, căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật tiếp tục gia tăng trên biển Hoa Đông. Theo Hãng tin Kyodo, đêm 1/9 một đoàn khảo sát do thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara cử đi đã lên tàu đến quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Đoàn 25 người bao gồm quan chức chính quyền Tokyo, các nhà giám định bất động sản và các nhà nghiên cứu chính sách hàng hải sẽ khảo sát đường bờ biển và vùng nước ở quần đảo Senkaku.
Việc khảo sát này nhằm nghiên cứu khả năng sử dụng các đảo tại đây để xây các cơ sở hàng hải, cảng cá. Những thành viên trong đoàn không được phép lên đảo mà chỉ được dùng thuyền phao đi xung quanh. Giới quan sát nhận định việc chính quyền thủ đô Tokyo cử đoàn khảo sát đến Senkaku cho thấy Tokyo rất cương quyết trong việc mua lại Senkaku từ tư nhân. Đoàn khảo sát sẽ tiếp tục trở lại Senkaku vào tháng 10.
Hiện thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đã vận động được 1,4 tỉ yen (17,8 triệu USD) tiền quyên góp để mua lại đảo Senkaku. Theo báo Asahi, ông Ishihara nhấn mạnh Chính phủ Nhật phải xây cảng cá, tạo dựng sự hiện diện về kinh tế trên quần đảo Senkaku để bảo vệ chủ quyền trước nguy cơ từ Trung Quốc. Hiện Chính phủ Nhật cũng đang xem xét việc mua lại quần đảo này với giá 2,05 tỉ yen (26 triệu USD).
Theo AFP, phản ứng chuyến đi khảo sát của phía Nhật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối vụ việc và lặp lại rằng bất cứ hành động nào từ phía Nhật Bản đều là trái phép và không có hiệu lực.
Theo Tuổi Trẻ