Chủ đề Trung Quốc chi phối hoàn toàn đối thoại “2+2” khi Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper của phía Mỹ đã tiếp Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds của Australia.
Cuộc họp hai ngày ở Washington, kết thúc ngày 28/7 vừa qua, là cuộc tham vấn cấp bộ trưởng lần thứ 30 giữa Mỹ và Australia.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung gia tăng, Washington đã kéo được Australia về phía mình. Canberra đã tuyên bố sẽ tận dụng tốt hơn các liên minh hiện tại và tạo các nhóm mới để kiềm chế Bắc Kinh, theo Nikkei Asian Review.
“Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác hiện tại, như nhóm Ngũ Nhãn, ASEAN, Quad, Nhóm đối tác Hạ tầng Ba bên, và Hội nghị Cấp cao Đông Á”, Ngoại trưởng Payne của Australia nói với báo chí sau cuộc họp.
Từ phải: Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Ngoại trưởng Mike Pompeo (Mỹ), Ngoại trưởng Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds (Australia). Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ. |
Cam kết xây dựng các nhóm liên minh mới
Bà Payne cam kết xây dựng “các nhóm mới, củng cố tình hữu nghị, tăng cường an ninh thông qua một mạng lưới các nước có chung tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở, thịnh vượng và an ninh”.
Thông cáo chung sau cuộc họp ở Washington cũng cam kết hợp tác với ASEAN và Ngũ Nhãn, đồng thời nêu Hàn Quốc là đối tác và nhắc đến riêng Việt Nam - Chủ tịch ASEAN năm nay - khen ngợi sự lãnh đạo của Việt Nam trong chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói các cuộc tập trận ba bên ở Biển Philippines của Mỹ, Australia và Nhật nhằm gửi thông điệp đến Trung Quốc.
“Tuần trước, 5 tàu chiến Australia cùng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và một tàu khu trục Nhật Bản tiến hành một cuộc tập trận hàng hải ba bên”, ông nói.
“Những cuộc tập trận này không chỉ củng cố khả năng phối hợp hoạt động, mà còn gửi thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh là chúng tôi sẽ điều máy bay, điều tàu, và hoạt động ở mọi nơi luật quốc tế cho phép”.
Tiếp tục bác bỏ yêu sách của Trung Quốc
Bốn quan chức từ cuộc họp “2+2” dùng thông cáo chung của mình để bày tỏ “lo ngại sâu sắc về các hành động áp đặt và gây bất ổn gần đây ở khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
“Theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài, (các hành động của Trung Quốc) cho thấy các yêu sách hàng hải của Trung Quốc không có lý lẽ theo luật quốc tế”, thông cáo viết.
Bắc Kinh “không thể khẳng định yêu sách hàng hải ở Biển Đông dựa trên ‘đường chín đoạn’, ‘quyền lịch sử’ hay dựa vào các nhóm đảo trên Biển Đông, trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”.
Thủy thủ Mỹ dùng dụng cụ để xác định khoảng cách giữa tàu mình và tàu khác trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Bà Reynolds, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, nói Mỹ - Australia đồng ý làm sâu sắc thêm các hợp tác trong quốc phòng, khoa học, công nghệ và công nghiệp.
“Điều này bao gồm siêu thanh, tác chiến điện tử, và các năng lực liên quan đến không gian”, bà Reynolds nói.
Đó là những năng lực cốt yếu để chống lại được chiến lược “chống tiếp cận” của Trung Quốc.
Chẳng hạn, tên lửa siêu thanh có tốc độ 5 lần vận tốc âm thanh và khó đánh chặn, có khả năng nhắm đến tàu sân bay của Trung Quốc. Tác chiến điện tử hay vũ khí không gian có thể nhắm đến hệ thống viễn thông vệ tinh của Trung Quốc, theo Nikkei Asian Review.
“Kết luận lớn nhất của tôi là Mỹ và Australia đang khá đồng thuận trong cách đối phó với Trung Quốc”, Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao ở tập đoàn Rand Corp ở California, nói. “Chúng ta không nên coi đó là hiển nhiên, vì Australia trước nay khá do dự khi đối phó với Bắc Kinh”.
Ông Grossman nói “kể từ khi Canberra công bố sách trắng quốc phòng cuối cùng vào năm 2016, và chắc chắn là trong vài tháng gần đây với cập nhật chiến lược quốc phòng - bố trí lực lượng năm 2020, các nhà hoạch định chính sách Australia dường như đang sẵn sàng ủng hộ Mỹ hơn trong cuộc cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc”.
Australia vẫn muốn khéo léo
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Payne của Australia vẫn phải khéo léo vì Australia phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và cũng ở gần Trung Quốc hơn Mỹ. “Thủ tướng của tôi đã nói gần đây, quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc là quan trọng, và chúng tôi không hề có ý làm tổn thương điều đó”, bà nói.
Bà Reynolds, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, sau khi được phóng viên hỏi, đã không cam kết sẽ điều tàu tuần tra tự do hàng hải gần hơn các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ phi pháp trên Biển Đông. Bà chỉ nói “tiếp cận của chúng tôi vẫn thống nhất, và sẽ tiếp tục đi qua khu vực theo luật quốc tế”.
“Có thể có không gian xoay xở trong chính sách của Australia để giữ quan hệ với Bắc Kinh”, ông Grossman nhận định. “Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Australia, và tôi nghĩ Australia sẽ không muốn ‘phân ly’ khỏi Bắc Kinh”.
Trung Quốc là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Australia, chiếm 1/4 tổng thương mại của Australia trong năm tài chính 2018-2019. Bắc Kinh đã dừng nhập khẩu một số nông sản Australia để trả đũa việc Canberra kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc virus corona.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng cảnh báo sinh viên về rủi ro khi du học ở Australia, như phân biệt chủng tộc. Sinh viên Trung Quốc chiếm tới 30% số sinh viên nước ngoài ở Australia trước đại dịch. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo gọi việc Trung Quốc dùng du học sinh và nông sản để gây áp lực lên Australia là “không thể chấp nhận được”.
Michael Shoebridge, Giám đốc về an ninh, chiến lược, quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhấn mạnh rằng đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh không thể chỉ giữa hai nước này.
“Vì Trung Quốc là thách thức với nhiều nước, không chỉ là giằng co song phương với Washington... những gì Australia làm có tác động vượt xa Bắc Kinh và Washington”, ông viết trên Twitter.
Giới phân tích cho rằng tương lai của an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phụ thuộc nhiều vào sức mạnh hàng hải. Điều này đặt ra tranh luận về tương lai của nhóm Bộ tứ, hiện giờ là nhóm phi chính thức thúc đẩy “thương mại và văn hóa”.
Nhưng báo chí gần đây cho biết quân đội Australia có khả năng được mời tới cuộc tập trận trên biển Malabar tổ chức hàng năm ở Ấn Độ Dương giữa các lực lượng của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.
Nếu vậy, có khả năng Bộ tứ chuyển thành một nhóm quân sự, sẽ càng khiến Bắc Kinh lo ngại.