Sêrêpôk không chỉ là dòng sông huyền thoại về văn hóa ở Tây Nguyên mà còn là nơi mưu sinh của nhiều người dân 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Trong những chuyến mưu sinh ấy, không ít lần các ngư phủ bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng cứu người gặp nạn trên sông.
Gắn cuộc đời bên dòng sông chảy ngược
Được hợp lưu bởi hai dòng Krông Knô và Krông Ana bắt nguồn từ nam Trường Sơn, sông Sêrêpôk có chiều dài 315 km (phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam là 125 km). Sêrêpôk không đổ thẳng ra biển Đông như nhiều dòng sông khác mà chảy ngược sang Campuchia trước khi hợp vào dòng Mêkông, xuôi về Tây Nam Bộ rồi hòa vào biển lớn.
Từ 5h, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Thủy (50 tuổi, ngụ phường Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột), người có thâm niên làm nghề đánh bắt cá trên dòng Sêrêpôk. Ngồi trên con thuyền nhỏ còn có ông Lê Văn Kiếm (60 tuổi, người cũng gắn bó cuộc đời với dòng sông Sêrêpôk).
Ông Thủy cho biết mình đã 50 tuổi nhưng không nhớ rõ gắn bó với nghề thả lưới bên dòng Sêrêpôk từ khi nào.
Ông Kiếm và con trai kiểm tra lưới trên sông Sêrêpôk. Ảnh: Minh Quý. |
"Tôi chỉ biết ngay từ nhỏ đã theo bố ngồi thuyền đi đánh bắt cá trên sông. Khi đó, mỗi ngày có thể bắt được 30 - 50 kg cá. Sau những chuyến đi, tôi thấy yêu nghề sông nước và gắn bó cho đến nay", ông Thủy chia sẻ.
Theo ông Thủy, hàng ngày ông thả lưới từ 15h rồi về nhà nghỉ ngơi đến 2h sáng hôm sau là thời điểm kéo lưới. Các loài cá bắt được thông thường như mè, trắm, trôi... thì mang ra chợ Hòa Phú, Duy Hòa để bán. Đối với các loại cá có giá trị cao như lăng, chình, tra thì điện thoại ngã giá với các chủ nhà hàng ở TP Buôn Ma Thuột hay ở tận Sài Gòn.
"Những năm gần đây, các loại cá ít dần, cùng với việc ngăn dòng của thủy điện, mỗi chuyến thuyền về chỉ được 5 - 7 kg cá tạp, nhiều hôm trắng tay. Từ đó cuộc sống của gia đình cũng gặp nhiều khó khăn", ông Thủy nói.
Tương tự, ông Kiếm cũng đã gắn bó với sông Sêrêpôk hơn 40 năm nay.
Ông Kiếm cho biết năm 13 tuổi, ông theo gia đình đến TP Buôn Ma Thuột sinh sống. "Do quê ở vùng biển Phú Yên nên nghề đánh bắt đã ăn sâu vào con người tôi ngay từ nhỏ. Lên Đắk Lắk, nhà chỉ cách sông Sêrêpôk khoảng 1 km, hằng ngày chèo thuyền ra sông kiếm cá, lúc đầu chỉ để cải thiện bữa ăn trong gia đình, hôm nào bắt được nhiều cá thì bán lấy tiền mua gạo, trang trải cuộc sống", ông Kiếm nói.
Từ thời còn trai tráng khỏe mạnh cho đến giờ đầu đã 2 thứ tóc, đánh cá trên sông Sêrêpôk vẫn là nghề chính, niềm đam mê của ông Kiếm. Những lúc ê ẩm trong người, thay vì đi giăng lưới qua đêm, ông thường rủ bạn thân thiết thả câu dọc bờ sông vừa câu cá, giải trí.
Nhiều lần cứu người
Không chỉ là mưu sinh, những ngư phủ trên sông Sêrêpôk không ít lần ra tay cứu người.
Ông Kiếm cho biết mỗi lần thả lưới hoặc câu cá trên sông, thấy người dân tập trung đông là biết có chuyện chẳng lành. Lúc đó, ông lại bỏ lưới lao đến khu vực chân cầu 14 để xem tình hình.
"Tôi không nhớ rõ bao nhiêu vụ nhảy cầu, tôi và những người bạn nhiều lần lặn mình dưới dòng sông cuồn cuộn chảy để cứu người", ông Kiếm nhớ lại.
Ông Thủy chỉ về khu vực cầu 14 nơi nhiều người nhảy cầu tự tử mà mình đã cứu. Ảnh: Minh Quý. |
Còn đối với ông Thủy cũng nhiều lần ra tay cứu vớt những trường hợp nhảy cầu hay sảy chân trượt xuống sông Sêrêpôk. Tuy nhiên, ông Thủy nhớ nhất là 2 lần cứu người thoát khỏi “miệng hà bá” trên dòng sông Sêrêpôk gần đây.
"Cách đây 5 năm, 2 học sinh lớp 8 ngụ xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) trong lúc tắm sông không may sảy chân bị nước cuốn trôi. Lúc đó, tôi đang đánh cá cách khu vực tai nạn khoảng 500 m, nghe thấy tiếng kêu cứu đã kịp vớt được một em", ông Thủy kể.
"Mới đây nhất vào tháng 8/2016, trường hợp một phụ nữ khoảng 35 tuổi nhảy cầu tự tử. Khi nghe người dân hô hoán, tôi cùng bạn tìm kiếm. Sau khoảng 15 phút, người phụ nữ đó đã được đưa lên bờ và gọi taxi đưa đi bệnh viện cấp cứu", ông Thủy kể thêm.
Ông Trịnh Bá Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Đắk Lắk, cho biết sông Sêrêpôk có khoảng 201 loài cá, trong đó 67 loài có giá trị kinh tế cao.
Theo Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN của Bộ NN-PTNT về việc công bố các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở nước ta cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển thì ở Đắk Lắk có 7 loài cá nằm trong danh sách đỏ, chủ yếu phân bố ở sông Sêrêpôk gồm: ngựa xám, duồng, chiên lăng, sọc dưa, sấu xiêm, mõm trâu...