Nhiều loại mứt mới
Năm nay thị trường có thêm nhiều loại mứt mới với xu hướng giảm ngọt. Bà Ngọc Thúy, chủ xưởng mứt Thành Long, cho biết mùa tết này cơ sở tung thêm 10 loại mới với tên gọi “trái cây sấy dẻo thuần Việt”, gồm mứt khổ qua, vỏ bưởi, thơm, me, dâu, dừa, cóc, bắp bao tử, xoài, mít; giá bán 200.000-250.000 đồng/kg tùy loại.
Các loại mứt được sản xuất bằng công nghệ thẩm thấu chân không với 1kg nguyên liệu chỉ cần 200g đường, thay vì 1kg đường với cách làm truyền thống, sẽ làm giảm độ ngọt mà sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, các loại trái cây sấy dẻo này không chỉ khắc phục được “điểm yếu” quá ngọt của mứt truyền thống mà còn có thời hạn sử dụng lâu hơn nên rất thích hợp cho việc biếu tặng.
Bà Tâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chọn mua các loại bánh mứt để làm quà tết. |
Một loại mứt khác cũng xuất hiện trên thị trường vài năm gần đây nhưng năm nay mới thật sự được người tiêu dùng tiêu thụ nhiều là mứt bưởi. Theo bà Ái - chủ thương hiệu mứt Trí Đức, đặc điểm của mứt bưởi là không quá ngọt, có vị the nhẹ của vỏ bưởi. “Chỉ đưa ra thị trường bán thử nghiệm nhưng khá nhiều người chọn mua với giá 40.000 đồng/hộp” - bà Ái cho biết. Một số loại mứt được các tiểu thương giới thiệu như là món lạ trong ngày tết năm nay còn có mứt khổ qua. Tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), các khu vực chuyên doanh mặt hàng mứt tết đã đầy ắp hàng hóa trong sạp, với đủ chủng loại mứt, từ mứt hạt sen, chà là, kiwi... từ 45.000-85.000 đồng/kg. Đặc biệt theo các tiểu thương, mặt hàng mứt hồng dẻo khá được ưa chuộng năm nay.
Trong khi đó, tiểu thương chợ Bến Thành (Q.1) cho biết hiện nay các loại mứt khô như mứt bí, mứt gừng, mứt hạt sen, mứt me, khoai lang bắt đầu được đặt hàng để đưa đi các tỉnh. Những loại mứt truyền thống không thể thiếu trong ngày tết như mứt dừa, mứt gừng, mứt hạt sen vẫn được tiêu thụ mạnh. Giá các loại mứt này dao động 60.000-150.000 đồng/kg.
Giá tăng cao, mứt thương hiệu “tính toán”
Theo các nhà sản xuất, những năm gần đây thị trường mứt tết rất khó dự đoán vì sức mua ban đầu chậm, nhưng tăng đột biến vào phút chót. Năm nay, với điều chỉnh giá xăng, giá gas, chi phí nhân công tăng làm giá mứt tăng mạnh 15-20%. Bà Thúy cho biết giá nguyên liệu gừng tăng gần 50% so với năm ngoái, tương tự hạt sen tươi tăng 30%, dừa thì chỉ nhích nhẹ nhưng chi phí sản xuất những năm gần đây luôn năm sau tăng hơn năm trước khiến giá mứt tết cao.
Trong khi đó tại các chợ lẻ, tiểu thương cho biết giá các loại mứt đã tăng mạnh thêm 20.000-30.000 đồng/kg, nguồn gốc vẫn chủ yếu tại các chợ lớn như Bình Tây, An Đông. Bên cạnh mứt, các loại hạt khô cũng rục rịch được đưa ra bày bán. Hiện giá hướng dương tại chợ lẻ tiểu thương chào hàng 70.000 đồng/kg, hạt dưa 120.000 đồng/kg, hạt dẻ dao động 280.000-300.000 đồng/kg... Theo lý giải của nhiều tiểu thương, năm nay các loại hạt tăng giá cao vì không có hàng. Bà Ái cho biết với giá nguyên liệu đầu vào cao, sức mua chậm, nhà sản xuất không tính toán kỹ sẽ rất rủi ro.
“Khác với mọi năm, đến 15 tháng giêng tôi chốt hàng, không sản xuất thêm vì mứt là mặt hàng thời vụ, qua mùa là thôi, rủi ro cao. Có thể xảy ra tình trạng thiếu hàng vào những ngày cao điểm nhưng sẽ không đáng kể bởi sức mua hiện nay cho thấy thị trường mứt còn khá dè dặt” - bà Ái nói. Hầu hết các cơ sở đều vừa sản xuất vừa “dòm” thị trường, ngay các tiểu thương cũng cho biết không dám đặt hàng nhiều mà bán đến đâu nhập đến đó, chấp nhận biến động giá những ngày cận tết.
Dù nguyên liệu đầu vào tăng nhưng nhiều nhà kinh doanh cho biết không dám điều chỉnh tăng giá mạnh. “Người tiêu dùng ngày càng khó tính, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nhà sản xuất phải đảm bảo giá cả không được cao quá. Nếu bán cao quá sẽ khó, hàng đi chậm trong khi mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp vẫn là duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho công nhân, sản lượng ưu tiên hàng đầu” - bà Thúy nói. Thực tế năm ngoái đã xảy ra tình trạng hút hàng phút chót một số loại mứt có thương hiệu khi các thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm rộ lên, mứt trôi nổi trên thị trường kém chất lượng, người tiêu dùng chuyển sang mua sắm tại siêu thị.