Muốn xử phạt, phải chứng minh dân có lỗi
Một nguyên tắc mới trong luật là các cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh việc có hành vi vi phạm hành chính và làm các thủ tục để xác minh các tình tiết của vụ việc.
Hôm nay 1/7, Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) bắt đầu có hiệu lực, thay thế cho Pháp lệnh XLVPHC. Vậy những quy định mới nào có lợi hơn cho người dân? Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng công tác thi hành pháp luật, Sở Tư pháp TP.HCM, chia sẻ về những điểm mới nổi bật của đạo luật quan trọng này.
- Ngày 1/7 này là Luật XLVPHC có hiệu lực thi hành. Theo bà, những điểm mới nào trong luật có lợi hơn cho người dân so với quy định trước đây?
Bà Nguyễn Thị Kim Liên. |
- Có một quy định mới hoàn toàn mà Pháp lệnh trước đây không nói đến, đó là quyền được giải trình của người bị vi phạm (Điều 61). Thủ tục giải trình này được áp dụng đối với những vi phạm bị xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Thủ tục giải trình còn được áp dụng với vi phạm có khung phạt tiền lớn, từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức. Cơ quan tiến hành xử phạt phải xem xét ý kiến giải trình của người vi phạm, xác minh hành vi đối tượng vi phạm trước khi ra quyết định xử phạt. Trước đây người bị xử phạt không có quyền đó mà việc xử phạt chỉ có một chiều từ cơ quan xử phạt áp xuống.
Một nguyên tắc mới trong luật là các cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh việc có hành vi VPHC và làm các thủ tục để xác minh các tình tiết của vụ việc để biết có hay không có vi phạm, nếu có thì ở mức độ nào. Trước đây không quy định thủ tục này, người dân vẫn có quyền được khiếu nại sau khi có quyết định xử phạt VPHC. Tuy nhiên, việc khiếu nại khi mọi chuyện đã rồi thì phức tạp hơn nhiều so với chuyện khiếu nại trong quá trình đang lập hồ sơ xử lý.
Sai đến đâu, xử đến đó
- Luật có quy định nào để khắc phục tình trạng người bị xử phạt không tâm phục khẩu phục vì mức phạt không tương xứng với hành vi không?
- Có. Cụ thể như trong việc giải thích từ ngữ cho cụm từ “tái phạm” và “vi phạm hành chính nhiều lần”. Hai khái niệm này rất quan trọng bởi liên quan đến mức phạt tiền. Về nguyên tắc, nếu không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì mức phạt là mức trung bình của khung, còn nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt sẽ là mức tối đa của khung xử phạt. Trong pháp lệnh trước đây thì hành vi được xem là có tình tiết tăng nặng là khi anh tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần. Như thế nào tái phạm và vi phạm nhiều lần? Khi chưa hết thời hạn được coi là chưa bị XLVPHC mà anh tiếp tục vi phạm trong cùng một lĩnh vực thì bị coi là tái phạm. Còn Luật XLVPHC xem là tái phạm khi chưa hết thời hạn này mà anh tiếp tục thực hiện đúng hành vi đã vi phạm trước đây.
Ví dụ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hàng trăm hành vi bị xử phạt VPHC như không thực hiện giám sát chất thải, gây độ rung vượt tiêu chuẩn, không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại…Theo pháp lệnh, tháng trước anh gây độ rung vượt tiêu chuẩn bị xử phạt, tháng sau anh không thực hiện giám sát chất thải thì vẫn bị xem là tái phạm. Còn luật mới xem đó là hai hành vi khác nhau, không phải là tái phạm. Việc rơi vào tình tiết tăng nặng của người vi phạm vì thế cũng được thu hẹp hơn, mức phạt sẽ không đội lên cao như trước.
Trong những tình tiết giảm nhẹ, luật cũng đưa thêm vào nhiều tình tiết mới (Điều 9). Chẳng hạn như VPHC trong tình trạng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết… Trước đây không hề có quy định này nên có thể có người bị phạt mà không tâm phục lắm. Nguyên tắc xử phạt là anh có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt của anh sẽ giảm hơn so với mức trung bình, có thể thấp đến mức tối thiểu của khung.
Quyền được giải trình của người bị vi phạm là một quy định mới trong Luật XLVPHC có khung phạt tiền lớn. Trong ảnh: Khám nghiệm hiện trường một vụ xả nước thải công nghiệp. |
Những liều thuốc đặc trị
- Thực tế có hiện tượng lờn luật như doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội dây dưa không trả, DN gây ô nhiễm môi trường kéo dài… Luật mới liệu có khắc phục được tình trạng trên?
- Tôi tin là có. Bởi lẽ trong nhiều lĩnh vực, các trường hợp vi phạm sẽ bị công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (Điều 72). Các lĩnh vực này có ảnh hưởng nhiều đến người dân như an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dược, khám, chữa bệnh, lao động, xây dựng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường, sản xuất, buôn bán hàng giả… Qua đó, các đối tác và người dân biết rằng anh này làm ăn bê bối để họ có thể không cộng tác, không mua hàng hóa của tổ chức đó như một cách tẩy chay.
Một quy định mới nữa cần chú ý là trước đây luật không quy định việc đình chỉ hoạt động mà chỉ quy định đình chỉ hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức. Giờ luật có quy định đình chỉ hoạt động luôn. Ví dụ một DN vi phạm xả thải ra môi trường, trước đây cơ quan quản lý chỉ yêu cầu anh ngưng hành vi xả thải, còn DN vẫn hoạt động. Giờ thì luật cho phép đình chỉ toàn bộ hoạt động của DN, yêu cầu có biện pháp khắc phục xong mới cho hoạt động trở lại. Điều này giúp cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp xử lý linh hoạt hơn, hiệu quả hơn.
- Bà có cho rằng quá trình xử lý VPHC có nhiều trường hợp bức xúc mà thực tế không trị được thì nay đã có thuốc?
- Có. Ví dụ như thời gian qua nổi lên những vụ đua xe trái phép mà quy định về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm không xử nghiêm được. Theo pháp lệnh, nếu người vi phạm mà chiếm đoạt, sử dụng trái phép tang vật, phương tiện VPHC của người khác thì cơ quan xử lý phải trả lại phương tiện, tang vật cho người đó. Giờ thì luật cho phép tịch thu trong một số trường hợp (Điều 26).
Chẳng hạn luật cho phép tịch thu nếu người chủ phương tiện đó có lỗi trong việc để đối tượng dùng xe vi phạm. Còn nếu người chủ tài sản không có lỗi thì sẽ phải trả lại cho người chủ nhưng cá nhân vi phạm phải nộp vào ngân sách Nhà nước một khoản tiền bằng giá trị tài sản vi phạm. Đó là quy định mới giải quyết được bức xúc lâu nay khi rất nhiều trường hợp biết rõ mười mươi là đối tượng cố tình dùng phương tiện của người khác để thực hiện hành vi vi phạm nhưng cứ phải trả lại cho chủ.
Chú trọng quyền con người
- Bà có nhận định gì khi luật đưa thêm hai biện pháp là nhắc nhở và quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên vào các biện pháp thay thế XLVPHC?
- Đây là một điểm mới của luật. Điều này cho thấy việc bảo vệ quyền con người (ở đây là quyền trẻ em) được tốt hơn. Trước đây nếu hành vi vi phạm do vị thành niên gây ra có lỗi vô ý thì có thể bị cảnh cáo, còn với người đủ từ 16 tuổi trở lên thì họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Giờ luật cho phép nếu không cần thiết thì áp dụng biện pháp nhắc nhở, quản lý tại gia đình. Nó tốt hơn cho bản thân đứa trẻ. Vả lại khi đã ra quyết định xử phạt VPHC tức là đã ghi vào lý lịch đứa trẻ một vết xám rồi, dù là sáu tháng hoặc một năm là xóa vết rồi nhưng người ta dễ nhìn vào đứa trẻ bằng thái độ thiếu thiện cảm.
Một nội dung mới nữa (đến ngày 1/1/2014 mới có hiệu lực thi hành) cũng liên quan đến quyền con người là việc chuyển thẩm quyền áp dụng các biện pháp thay thế XLVPHC từ cơ quan hành chính sang cơ quan tòa án trong các trường hợp cần đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh… Đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh ít nhiều đã cách ly người vi phạm ra khỏi cộng đồng, người dân hay nói nôm na là “tù không án”. Khi đã đưa ra tòa án thì có quy trình tố tụng rõ ràng, ít nhất là có luật sư bào chữa để đảm bảo tốt hơn quyền nhân thân của người vi phạm. Biện pháp này đảm bảo quyền con người, nó minh bạch, công bằng hơn.
Theo Pháp Luật TP.HCM