HLV Louis Van Gaal mô tả hai hậu vệ biên trong hệ thống chiến thuật của ông như chiếc vô-lăng ôtô. Bên trái dâng lên cao thì bên phải ở lại giữ phòng tuyến, thậm chí bó vào trong làm thành trung vệ thứ ba. Và ngược lại, tùy theo hướng phát triển bóng.
Người ta gọi đây là kiểu bố trí “tuyến nghiêng”. Đó là khi trong tay một HLV có hai cầu thủ chạy cánh đều giỏi, đều tích cực lao về phía trước tấn công. Nhiều đội còn chơi theo kiểu “treo cánh”, tức là chỉ có một hậu vệ biên thường xuyên lên, còn hậu vệ biên phía đối diện thường xuyên ở dưới nửa sân.
Cặp đôi sát thủ bên hành lang trái của đội tuyển Pháp
Pháp chơi theo chiến thuật “treo cánh” rõ rệt nhất. HLV Didier Deschamps bắt đầu chiến dịch Qatar với hai hậu vệ cánh Lucas Hernandez và Benjamin Pavard, như tại Nga bốn năm trước. Cả hai cầu thủ này đều phòng thủ tốt, nhiều lần được bố trí chơi trung vệ tại CLB của họ, Bayern Munich.
Mbappe và Theo Hernandez mở khóa hàng phòng ngự các đối thủ của Pháp. Ảnh: Reuters. |
Nhưng sau 10 phút trận đầu gặp Úc, kế hoạch ban đầu của Deschamps bị gãy khi Lucas chấn thương. Cậu em trai Theo Hernandez vào thay Lucas trấn cánh trái. So với Lucas thì Theo là một hậu vệ cánh phiêu lưu hơn. Và chính điều này tạo ra sự khác biệt cho đội tuyển Pháp.
Úc bố trí phòng ngự theo khối 4-5-1 hoặc 4-4-2 khá chặt chẽ. Khi một đội bóng bố trí theo khối như vậy, họ ưu tiên đặt dày người vào khu giữa, chặn con đường ngắn nhất tiến đến khung thành của họ. Như vậy, họ sẵn sàng hy sinh các khoảng trống phía ngoài biên được cho là ít gây nguy hiểm hơn.
Các đội không có cầu thủ chạy cánh tốt rất khó phá vỡ khối phòng thủ như vậy, điển hình như Argentina gặp bế tắc trước Saudi Arabia và Mexico. HLV Lionel Scaloni đã dùng bốn hậu vệ cánh Nicolas Tagliafico, Marcos Acuna bên trái, Nahuel Molina, Gonzalo Montiel bên phải, nhưng không ai đạt yêu cầu.
Phòng ngự theo khối lại không là vấn đề đối với Pháp khi họ có Theo Hernandez rất hay. Theo bám biên, đẩy Kylian Mbappe thuận chân phải vào phía trong nhiều lúc hoạt động giống như một số 10, tham gia vào kiến tạo lối chơi với cả đội. Mbappe khai thác khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ cánh khiến hàng thủ Úc và Đan Mạch sau đó khá bối rối.
Hernandez lên tấn công, Pháp thường xuyên có 5 cầu thủ trên tuyến đầu. |
Mbappe có thể lùi xuống nhận bóng trực tiếp từ trung vệ của mình, rồi đẩy xuống biên cho Theo chạy, Oliver Giroud nhập vào phối hợp với Theo. Trung vệ có thể câu bóng dài cho Theo nhận bóng, chuyền bóng vào phía sau hàng thủ đối phương để Mbappe chạy xuyên xuống nhận bóng. Rất nhiều phương án tấn công được thiết lập.
Việc Theo thường trực dâng cao cho phép Pháp có luôn có đến năm cầu thủ ở 1/3 phần cuối sân: Theo, Mbappe, Giroud, Antoine Griezmann và Ousmane Dembele. Hơn một người so với hàng thủ bốn người của Úc, đảm bảo xé nát khối phòng thủ của Úc.
Trong trận gặp Úc, Theo và Mbappe tổng cộng tạt bóng 12 lần, tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn từ cánh trái. Và bàn mở tỷ số của Mbappe trong trận gặp Đan Mạch, chỉ có mỗi Theo và Mbappe phối hợp chồng cánh nhảy múa giữa 5-6 cầu thủ Đan Mạch cũng làm nên chuyện.
Nhiều đội bóng chơi giống Pháp và thành công
Năm cầu thủ ở tuyến đầu, sơ đồ biến thành 3-2-5 hoặc 2-3-5, ngoạn mục nhất là khi chứng kiến Đức nghiền nát Bồ Đào Nha 4-2 ở Euro 2021, với Robin Gosens là hậu vệ trái dâng cao như Theo Hernandez của Pháp. Năm nay, Gosens không được gọi vào đội tuyển Đức, người thay thế anh là David Raum chơi chính xác như anh khi Đức gặp Nhật Bản. Ở cánh đối diện, Niklas Sule rất ít khi lên, chơi bó vào trong như một trung vệ.
Hệ thống 3-2-5 của Đức trong hiệp đầu trận gặp Nhật Bản, Raum lên rất cao, đá như một tiền đạo cánh. |
Đức thua trận đó vì họ lãng phí cơ hội, chứ không phải do sai lầm chiến thuật. Khi gặp một đội chỉ phòng thủ sâu, theo logic, bạn phải bố trí nhiều cầu thủ tấn công hơn. Và bố trí theo cách càng kéo căng đối thủ theo chiều rộng mặt sân càng tốt. Đó là khi hậu vệ cánh dâng cao hữu dụng. Khi gặp Tây Ban Nha, Đức cần phòng thủ hơn, Sule được kéo vào trung vệ, Thilo Kehrer đá hậu vệ phải và Raum đá hậu vệ trái ít lên hơn.
Tây Ban Nha cũng đá kiểu “treo cánh” với Jordi Alba quá hay bên trái và Cesar Azpilicueta thiên về phòng thủ hơn. Alba giống với Theo, đối tác thường xuyên nhất của anh là Dani Olmo cũng giống với Mbappe: thuận chân phải, đá cánh trái, thường xuyên có xu hướng dạt vào giữa. Phần lớn thời gian trận đại thắng Costa Rica 7-0, Tây Ban Nha chơi với sơ đồ 2-3-5 với năm cầu thủ trên tuyến đầu: Alba, Olmo, Gavi, Marco Asensio và Ferran Torres.
Một vài đội chơi treo cánh nổi bật là Uruguay với hậu vệ trái Mathias Oliveira hay Mỹ với hậu vệ trái Antonee Robinson thường xuyên dâng cao.
Brazil chưa chơi theo cách này vì bên cánh trái của họ có Vinicius và Neymar quá đủ, thêm người nữa lại rối. Vinicius quá hay, mình anh ta có thể quấy cho hàng thủ đối phương rối tung lên. Nhưng khi Neymar vắng mặt, Vinicius cần sự trợ giúp từ dưới hơn. Khả năng tấn công của Alex Sandro có thể đáp ứng được. Lên bóng không nhiều, nhưng trong trận gặp Serbia, Sandro đã có một cú sút từ ngoài vùng cấm dội cột dọc.
Tại sao là hậu vệ trái, mà không là hậu vệ phải?
Từ đầu đến giờ, chúng ta toàn nhắc hậu vệ trái dâng cao, có xu hướng chơi tấn công ngoạn mục. Tại sao không nhắc hậu vệ phải dâng cao? Vì không thấy đội nào có. Hoặc có thì cũng không nổi bật hơn hậu vệ trái trong chính đội bóng đó. Vì sao các hậu vệ trái lại giỏi hơn hậu vệ phải trong tấn công? Có một vài cách giải thích.
Jordi Alba có khoảng trống rộng mênh mông bên cánh trái, Tây Ban Nha gần như cả trận gặp Costa Rica vận hành với sơ đồ 2-3-5. |
Thứ nhất, khái niệm này có thể bắt nguồn từ vai trò tấn công của Giacinto Facchetti trong đội hình Inter Milan của HLV Helenio Herrera thập niên 1960. Ông đã xác lập lối chơi cho các hậu vệ Serie A trong vài thập kỷ sau: một đội luôn có một hậu vệ trái xông xáo và một hậu vệ cánh phải thận trọng hơn.
Thứ hai, những người thuận chân trái và tay trái là những người có bán cầu não phải phát triển hơn, sáng tạo và giàu sự tưởng tượng hơn người thuận chân phải. Đấy là ta nói những hậu vệ cánh trái thuận chân trái. Cũng có hậu vệ trái thuận chân phải xuất sắc, nhưng chỉ là số ít thôi, như Paolo Maldini hay Gianluca Zambrotta. Nói chung việc chính của hậu vệ trái là chạy bám cánh và tạt bóng nên thuận chân trái thì làm việc đó tự nhiên hơn.
Thứ ba, theo tự nhiên, người thuận chân phải nhiều hơn. Nên nhiều đội bóng phải bố trí các tiền vệ và tiền đạo thuận chân phải sang cánh trái. Như Mbappe chẳng hạn. Hoặc Dani Olmo. Với một cầu thủ tấn công thuận chân phải đá ở cánh trái, anh ta có xu hướng di chuyển nhiều vào giữa sân, tức là về phía chân phải của anh ta. Nên các hậu vệ cánh trái có nhiều khoảng trống leo biên.
Ngược lại, nếu một tiền vệ thuận chân phải đá bên cánh phải, anh ta có xu hướng di chuyển bám ra biên phải hơn, tức là về phía chân phải của anh ta. Như vậy, hậu vệ biên phải ít có khoảng trống để leo biên.
Thứ tư, vị trí hậu vệ phải dễ đá nhất trên sân bóng. Nếu bạn thuận chân phải, bạn đứng góc sân phía dưới bên phải, nhìn vào sân, bạn thấy hết cả sân, không ai ở sau lưng bạn. Tức là dễ nhất rồi. Phần lớn những cầu thủ đá ở vị trí này là những cầu thủ không nổi bật, đã từng không thành công khi thử các vị trí trung vệ hay tiền vệ ở các đội bóng trẻ. Họ là những người chăm chỉ, cẩn thận. Không có sự phiêu lưu, sáng tạo như các hậu vệ trái.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...