Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Muôn vẻ hành khất ngoại ở Việt Nam

Trên thực tế thông tin người nước ngoài sang Việt Nam để hành nghề “cái bang” đã không còn là chuyện lạ.

Vấn nạn “cái bang ngoại” đang khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, và kéo theo sau đó là nhiều vấn đề hệ lụy khác…

Muôn vẻ “hành khất” ngoại 

Nhiều trẻ em Campuchia bám lấy xe ôtô tại thị trấn Cai Lậy để xin tiền người đi đường.

Đã có nhiều tờ báo phản ảnh tính trạng trên và mới đây nhất là những thông tin được “phát đi” từ Tiền Giang, về tình trạng tại chốt tín hiệu đèn thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Khi có tín hiệu đèn đỏ, một nhóm chừng 10-15 trẻ, gương mặt đen đúa, lem luốc, quần áo nhàu bẩn chia thành 2 nhóm ở 2 chiều xe, lao ra xin tiền tài xế.

Nhiều tài xế vừa bấm kính xe xuống đã có tín hiệu đèn xanh nên ném vội tiền rồi cho xe lăn bánh. Bọn trẻ ùa ra nhặt, bất chấp ô tô phía sau tiến tới. Khi xin được tiền, bọn trẻ chạy vào công viên gần đó đưa hết cho 2 người phụ nữ. Theo những người dân sống gần đó, 2 người phụ nữ này là mẹ của những đứa trẻ đến từ Campuchia. Nhưng trên thực tế thì tình trạng này không chỉ xảy ra ở thị trấn Cai Lậy mà theo nhiều nguồn tin thì số trẻ ăn xin Campuchia cũng đã xuất hiện tại nhiều chốt đèn tín hiệu giao thông ở TP Mỹ Tho và tỉnh Long An.

Trước tình trạng này, dù UBND huyện Cai Lậy, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo CA phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH thu gom các đối tượng đưa về Campuchia. Tuy nhiên, vài ngày sau lại thấy bọn trẻ xuất hiện. Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, cho biết do có yếu tố nước ngoài nên khó xử lý các đối tượng này. Ở TP Mỹ Tho, các cơ quan chức năng đã đưa gần 20 trẻ em Campuchia ăn xin sống lang thang về trung tâm xã hội để nuôi. Tuy nhiên chỉ vài hôm, bọn trẻ phá khóa cửa bỏ trốn ra ngoài để đi xin tiếp.

“Dù đã rất nỗ lực, nhưng thật khó để có thể quản lý những đối tượng này do bọn trẻ đều là người nước ngoài, ngôn ngữ bất đồng có quản lý, giáo dục cũng khó, hơn thế bọn trẻ này đều có những nhóm người lớn đứng sau điều khiển. Do vậy để chấm dứt tình trạng trên chúng tôi phải phối hợp với lực lượng CA  để tìm hiểu rõ những kẻ đứng sau này”, ông Nguyễn Minh Vỹ, PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang cho biết. 

Trên thực tế thông tin người nước ngoài sang Việt Nam để hành nghề “cái bang” đã không còn là chuyện lạ. Bởi từ năm 2007 đến nay, số “Tây” là đệ tử “cái bang” được Phòng PA18 công an TP.HCM kết hợp với CA một số quận, huyện xử lý lên hàng chục trường hợp. Qua tìm hiểu, người nước ngoài làm “cái bang” đa số là người Trung Quốc, người Campuchia, một số có nguồn gốc từ các quốc gia châu Phi nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch, thương mại, tìm hiểu thị trường để làm ăn. Nhưng sau khi tới TP.HCM, họ khoác trên mình chiếc áo cà sa đi… khất thực, nhưng đó là những đối tượng được xếp “chiếu trên”, còn có không ít người thậm chí biến mình thành một “cái bang” thực sự xì xồ tiếng ngoại quốc xin tiền của người Việt với những lý do được đưa ra là hết tiền hồi hương, bị trộm đồ, bị lừa đảo,…

Để người bản xứ có thể cảm thông và bỏ ra những đồng tiền lẻ “hỗ trợ” những người ngoại quốc này đã không ngần ngại trưng ra các tấm biển cảm ơn hết sức xúc động bằng tiếng Việt. Chị Mai Thanh Hải nhà ở quận 1, TP.HCM cho biết, đã không ít lần chị gặp những người hành khất tại khu chợ Tân Định, với những tấm biển nhỏ xin của bố thí, nhưng khi ra hỏi chuyện thì chị không hiểu người này nói gì, “lúc đó mình mới biết đó là người nước ngoài”, chị Hải chia sẻ.

Còn nhớ vào ngày 20/8/2008, phát hiện một phụ nữ tuổi ngoài 50 mặc áo cà sa đang khất thực quanh khu vực chợ Tân Định, quận 1 nhưng trông không giống người tu hành. Bảo vệ chợ hỏi chuyện thì người này ú ớ, không nói được tiếng Việt. Phòng PA18 CATP kết hợp CA phường mời người khất thực về làm việc. Đối tượng khai tên Zhu Wanger (SN 1954, ngụ Nam Ninh, Trung Quốc), nhập cảnh vào Việt Nam theo đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị ngày 8/8/2008 bằng hộ chiếu du lịch, thị thực số L0440923.

Cùng đi với Zhu Wanger có ba “đồng hương” là Guo De Fa (SN 1948) thị thực số L0440924, Xhang Xiao Xian (SN 1968) thị thực số L0440921 và Chen Jing Wen (SN 1970) thị thực số L0440922. Cả bốn thị thực  cùng loại  B3 do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh cấp. Sau khi qua cửa khẩu, Zhu Wanger mua vé xe khách tuyến Bắc - Nam chạy suốt hai ngày đêm đến bến xe Miền Đông, TP.HCM. Bốn người đi taxi về tạm trú tại một ngôi nhà trong hẻm đường Hậu Giang, P12Q6.

Không cần nghỉ lấy sức sau chuyến hành trình dài hàng nghìn cây số, Zhu Wanger và ba “đồng nghiệp” tận dụng tối đa thời gian, bắt tay “làm ăn” ngay! Sáng 12/8/2008, Zhu Wanger rời nhà trọ ra khu vực trung tâm TP bằng xe buýt mang theo “đồ nghề” (áo cà sa và chiếc bình bát đựng tiền bố thí). Đến trạm dừng chân tại chợ Bến Thành, Zhu Wanger xuống xe, vào nhà vệ sinh công cộng thay đổi xiêm y, khoác lên mình chiếc áo cà sa, đội nón che tóc giống hệt như người tu hành. Rảo bước quanh khắp những nơi có đông người qua lại, nhất là du khách nước ngoài từ sáng đến tận tối, Zhu Wanger kiếm mỗi ngày từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng. Chỉ một tuần khất thực, Zhu Wanger dư mấy triệu đồng bỏ túi.

Hoạt động có tổ chức

Một ông Tây khất thực nằm vạ vật trên đường tại TP.HCM.

Ông Hàn Văn Long (50 tuổi) là người chạy xe ôm nhiều năm tại thị trấn Cai Lậy cho biết, việc xuất hiện nhiều trẻ em ăn xin tại nhiều ngả đường đã xuất hiện được một thời gian, trước đây chỉ có vài ba người ăn xin. Nhưng gần đây, số lượng ăn xin bỗng nhiên xuất hiện nhiều hơn. Đám người này gồm các bé trai, gái.

Chúng dùng nhiều chiêu “khổ nhục kế” để xin tiền, gây bức xúc cho người qua đường. Cũng theo ông Long tiết lộ, thì những người này diện mạo rất khác lạ, ít nói, dù lớn hay bé cũng chỉ lắp bắp được mấy câu tiếng Việt quen thuộc. “Có lần tôi chứng kiến cảnh tượng một người phụ nữ đứng tuổi ôm hai đứa trẻ ốm yếu, dáng nhem nhuốc cầm thau, ca vái lạy, khóc lóc rất thảm thiết xin người qua đường của bố thí, thậm chí những người ngồi trên xe ôtô còn bị đập cửa xe bằng được chứ đuổi thế nào cũng không đi. Người dân địa phương như chúng tôi thì cũng đã quen với tình huống này, nhưng với những người từ nơi khác đến thì chỉ biết móc tiền đưa cho những đối tượng này mới hy vọng có thể đi… thoát. Thậm chí nhiều người còn không biết rằng những “cái bang” này không hề nói được tiếng Việt”, ông Long bức xúc chia sẻ.

Trên thực thế những đối tượng ăn xin “ngoại quốc” này hoạt động không hề đơn lẻ, mà có tổ chức. Ông Nguyễn Minh Vỹ nhận định đây có thể là nhóm người giả ăn xin bị chăn dắt, chúng tôi đã có những thông tin ban đầu chuyển cơ quan điều tra để tìm hiểu kỹ sự việc. Cũng theo quan sát của những người dân sống xung quanh khu vực khẳng định, những đứa trẻ ngoại quốc này được điều khiển bởi những đối tượng khác nhưng không rõ là người Việt hay người Campuchia, chỉ biết rằng tốp người lạ này có một phụ nữ đẫy đà, bên cạnh đó là hai thanh niên trạc 30 tuổi trông bặm trợn.

Theo đó, trước khi đám trẻ ngoại quốc đi “làm” chúng đều tụ thành một nhóm để nghe chỉ thị của người phụ nữ kia sau đó chia thành từng tốp nhỏ tỏa ra các tuyền đường xung quanh thị trấn Cai Lậy, 2 thanh niên sẽ chịu trách nhiệm bảo kê cho cả nhóm khi gặp tình huống bất ngờ. Bằng chứng là trước đó, trong quá trình ăn xin, một đứa trẻ do cố tình bám theo ôtô nên đã bị ngã ra đường, ngay lập tức nhóm thanh niên này xuất hiện và đề nghị người lái xe phải bồi thường nếu không muốn bị xử ngay tại chỗ do “gây thương tích” cho trẻ em.

Không chỉ hoạt động có tổ chức mà những “cái bang” ngoại quốc này còn rất lắm chiêm trò để moi tiền. Theo đó, kịch bản của chúng sẽ là chọn một người ăn mặc sang trọng níu chặt gấu áo xin tiền hoặc lựa xem chiếc xe ôtô nào đắt tiền nhất để chặn đầu xe rồi nài nỉ đến khi nào được cho tiền mới thôi, thế nhưng nếu tiền bố thí có ít thì chúng cũng không chịu, bởi “bọn trẻ đã được phân bổ định mức rồi, một ngày kiếm không đủ tiền về cho chủ là bị bỏ đói ngay, nghĩ cũng tội nghiệp cho chúng, bé vậy mà đã phải bươn chải kiếm cái ăn nơi đất khách, quê người”, ông Long cho biết.

Chiến lược của những đứa trẻ “cái bang” này thường sử dụng đó là đeo đẳng mãi cho đến lúc “đối tượng” thấy khó chịu phải rút túi móc mấy đồng tiền thả lại mới được buông tha. Thậm chí khi thấy con mồi, đám trẻ nhỏ ăn mặc rách rưới, hôi hám sẽ lao tới, sụp lạy và bám chặt lấy người đi đường để họ thấy… sợ hãi mà phải cho tiền. Theo tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn TP Biên Hòa, Mỹ Tho,… đang có rất nhiều nhóm “cái bang” ngoại.

 

Theo Pháp Luật và Xã Hội

Bạn có thể quan tâm