Muôn nẻo đường học của các sao thể thao Việt
Từ học vấn chỉ lớp 3, lớp 4 hay tốt nghiệp cấp hai đến đỗ đại học và tu nghiệp nước ngoài... khiến chuyện học vấn trong làng VĐV thể thao Việt Nam hết sức đa dạng.
>> Sao thể thao Việt lên đỉnh nhờ rẽ ngang
>> Những hoa khôi xinh đẹp trong làng thể thao Việt
>> Những cặp 'uyên ương' của thể thao Việt Nam
>> Thú chơi số đẹp của cầu thủ, sao thể thao Việt
>> Những nickname ngộ nghĩnh trong làng thể thao Việt Nam
>> Sao thể thao Việt kiếm tiền như thế nào?
Quỹ thời gian thi đấu của đa số các VĐV thể thao vốn không có nhiều, do đó ngoài việc cố gắng tìm kiếm thành tích họ đều rất tích cực đi học để kiếm một tấm bằng làm hành trang cho cuộc sống sau này.
Học đúng chuyên môn
Thông thường ở thể thao, có một quy trình gần như là chuẩn mực để các VĐV lựa chọn sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu là trở thành các cán bộ thể thao của các Sở. Họ sẽ được tạo điều kiện hoặc tự bản thân đi học đúng với chuyên môn của mình để có thể gắn bó lâu dài với môn thể thao mà mình theo đuổi.
Huỳnh Đức vừa là cầu thủ ngôi sao, vừa là HLV có tài |
Điều này được đặc biệt thể hiện rõ ở môn bóng đá, nơi các cầu thủ hầu như chọn con đường đi học để trở thành HLV sau khi giải nghệ. Hầu hết những HLV nội ở Việt Nam đều xuất thân là những cựu cầu thủ danh tiếng: Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Lư Đình Tuấn, Hoàng Anh Tuấn, Phan Thanh Hùng, Phạm Công Lộc…
Những VĐV ở các môn khác cũng phần nhiều chọn cho mình ngành học đúng với chuyên môn tại các Trường ĐH TDTT. Tuy nhiên, do bận thi đấu nên việc học của họ gặp rất nhiều trắc trở. Như tay vợt Đoàn Kiến Quốc, giờ đã hơn 30 tuổi nhưng anh vẫn chưa lấy được bằng tại ĐH TDTT I ở Từ Sơn, Bắc Ninh do nợ 38 môn. Tính sơ sơ tiền học lại của anh đã lên đến gần 300 triệu. Nữ hoàng điền kinh Vũ Thị Hương chiến tích lẫy lừng là thế mà vẫn không được “chiếu cố” về chuyện học nên giờ vẫn còn nợ 10 môn….
Học tại chức
Ngoài một số VĐV có điều kiện học chính quy thì học tại chức là lựa chọn hàng đầu của các VĐV bận thi đấu quá nhiều. Như các VĐV của đội bóng bàn và bóng chuyền tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam được đơn vị chủ quản cho đi học tại chức tại ĐH Dầu khí sau này về công tác ngay trong tập đoàn. Những VĐV nữ của đội bóng Thông tin Liên Việt Bank cũng vậy, đi học tại chức ĐH Ngân hàng.
Những VĐV nữ của đội bóng Thông tin Liên Việt Bank (trước đây là đội bóng bộ tư lệnh thông tin) như Kim Huệ được tạo điều kiện học tại chức ĐH Ngân hàng |
Đối với những VĐV này, họ có điều kiện thuận lợi khi được đơn vị chủ quản tạo điều kiện hết mình để việc học được suôn sẻ, sau này có thể an tâm có tấm bằng làm hành trang cho tương lai
Được tuyển thẳng
Mới đây, kiến càng Phạm Văn Mách đã chính thức trở thành tân sinh viên khoa Thể chất của Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng ở tuổi 35. Anh cùng với nữ lực sỹ 40 tuổi Kim Loan chính là 2 sinh viên già nhất của trường. Cả 2 người đều được tuyển thẳng với việc được miễn hoàn toàn học phí trong 4 năm, học theo hệ chính quy, tập trung. Đây là sự động viên khích lệ đối với những VĐV có nhiều đóng góp cho thể thao nước nhà.
Phạm Văn Mách đã chính thức trở thành tân sinh viên khoa Thể chất của Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng |
Trước đó, ĐH Hồng Bàng cũng đã tuyển thẳng lực sỹ Lý Đức với ưu đãi tương tự như của 2 VĐV trên. Đáng tiếc không có nhiều VĐV được hưởng biệt đãi như 3 VĐV thể hình này.
Đi du học
Đây là con đường khi mà các VĐV có điều kiện kinh tế dư dả đầu tư cho con em mình. 2 nữ võ sỹ wushu Vũ Thùy Linh và Vũ Trà My đều chọn con đường này, sau khi đã giành hầu hết những huy chương cao quý. Thùy Linh đang học về chuyên ngành quản lý thế thảo ở ĐH Vũ Hán, Trung Quốc. Trong tương lai, VĐV Huỳnh Phương Đài Trang của Việt Nam cũng sẽ đi du học tại Mỹ, có thể là chuyên ngành quản trị doanh nghiệp, Đại học Clemson.
Trà My chọn con đường du học |
Trong số những cựu VĐV đi du học thành công nhất phải phải nói đến Chung Tấn Phong. Sau khi chia tay làn đua xanh, ông đi du học và trở thành Tiến sỹ môn bơi đầu tiên ở Việt Nam. Hiện tại, ông là Tổng thư ký hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam.
Một dạng khác là đi “tu nghiệp” khi mới bước vào sự nghiệp thể thao. Cựu VĐV quần vợt nữ số 1 Việt Nam là Nguyễn Thùy Dung từng được gia đình đầu tư tiền tỉ cho chị sang học quần vợt tại Học viện tennis Vicbaden (Los Angeles). Tiếp đó, Dung tới Anh du học và trở về Thái Lan rèn luyện tại Học viện khác. Đáng chú ý là ở đây, Thùy Dung có cơ hội “tầm sư học đạo” thầy Dodo - từng là huấn luyện viên đầu tiên của cựu tay vợt nam số 1 thế giới người Thụy Sĩ Roger Federer.
Những tấm gương học hành
Giới VĐV thể thao Việt Nam không thiếu những người học giỏi. Lê Quang Liêm tuy gắn bó với cờ vua từ nhỏ nhưng không xao nhãng việc học. 12 năm liền bậc phổ thông, Liêm đều là học sinh giỏi. Hiện tại, anh đang là sinh viên năm nhất của khoa Tài chính Ngân hàng, ĐH Sài Gòn. Một trường hợp khác là cựu VĐV xe đạp Nguyễn Thị Thanh Huyền. Chị có đến 2 bằng cử nhân, 1 chuyên về thể thao, 1 là cử nhân báo chí hệ chính quy. Ngoài công việc làm HLV đội xe đạp nữ Việt Nam, chị Huyền còn tham gia viết báo thể thao. Là dân trong nghề nên những bài viết của họ rất sắc sảo, góc cạnh.
12 năm liền bậc phổ thông, Liêm đều là học sinh giỏi. Hiện tại, anh đang là sinh viên năm nhất của kho Tài chính Ngân hàng, ĐH Sài Gòn |
Nữ kỳ thủ Phạm Lê Thảo Nguyên ngoài đánh cờ giỏi còn vừa tốt nghiệp khoa Marketing của ĐH Cần Thơ. Hay như nữ võ sỹ Vũ Nguyệt Ánh có đến 2 bằng cử nhân đại học. Hay như VĐV môn leo tường Bùi Văn Ngợi đã tốt nghiệp khoa điền kinh của Trường ĐH TDTT II, sau đó đi làm cho một công ty du lịch lữ hành. Cựu VĐV điền kinh Trương Hoàng Mỹ Linh (cùng thời HLV Nguyễn Đình Minh, HLV của Vũ Thị Hương hiện giờ) từng học rất giỏi tiếng Anh tại ĐH Huflit, TP.HCM. Hiện tại cô là nhân viên tiêu biểu của Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Manulife tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trái ngược với họ là những VĐV ở môn cử tạ, nơi có học vấn rất thấp. Họ đều rất siêng năng, chịu khó nhưng đa phần trong số họ đều xuất thân từ những gia đình nghèo, mưu sinh vất vả đến với cử tạ để mong đổi đời nên họ gần như bỏ ngang chuyện học. Nhà vô địch SEA Games 25 hạng cân 77kg nam, Dương Thanh Trúc mới chỉ học đến lớp 3, ngay cả đọc 1 văn bản cũng khó. Hay nhà vô địch Olympic trẻ Thạch Kim Tuấn mới chỉ học hết lớp 6 rồi bỏ để rồi hiện tại phải đi học bổ túc….
Những cử nhân đi đá bóng
Dân bóng đá vốn được xem là “võ biền”, ít học nhưng hiện tại có không ít những “cử nhân” đại học đang xỏ giày đi thi đấu. Tiêu biểu nhất là Hoàng Hải Dương, cầu thủ người Lâm Đồng thuộc biên chế TĐCS Đồng Tháp mùa trước. Không chỉ đá bóng hay, Dương còn học giỏi. Anh không mấy khó khăn để tốt nghiệp khoa bóng đá k24 ĐH TDTT II Thủ Đức, TP.HCM.
Ngọc Thanh trước kia đã học đến năm 2 của Trường ĐH Sài Gòn nhưng sau đó bỏ ngang để đi theo nghiệp bóng đá |
Ngoài Hoàng Hải Dương còn phải kể đến 3 cử nhân của ĐH Hồng Bàng đã và đang chinh chiến là hậu vệ Lưu Ngọc Hùng của B-Bình Dương, tiền đạo Nguyễn Hải Anh của K-Kiên Giang và cựu đội trưởng đội Futsal Việt Nam Hà Bảo Minh. Nhưng không phải ai cũng vừa hoàn thành chuyện học vừa an tâm gắn bó với bóng đá. Tiền đạo Nguyễn Ngọc Thanh của SHB-Đà Nẵng trước kia đã học đến năm 2 của Trường ĐH Sài Gòn nhưng sau đó bỏ ngang để đi theo nghiệp bóng đá…
HOÀNG TÂM
Theo Bưu điện Việt Nam